Những khó khăn khách quan và chủ quan khiến mục tiêu giành được từ 2 đến 3 suất tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 của Cử tạ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Một số giải tuyển chọn lần lượt qua đi nhưng Cử tạ Việt Nam vẫn chưa có được chiếc vé chính thức tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Đến nay, chỉ còn giải Vô địch Châu Á là cơ hội cuối cùng cho các VĐV Cử tạ Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, ông Đỗ Đình Kháng - trưởng Bộ môn Cử tạ, Thể hình đã báo cáo tình hình cũng như thực tế những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thực trạng hiện nay cho thấy Cử tạ chưa nhận được sự đầu tư, quan tâm của các địa phương, quy trình đào tạo các VĐV còn nhiều hạn chế dẫn đến việc tuyển chọn tài năng cho môn thể thao này gặp nhiều khó khăn. Ngay tại đội tuyển quốc gia đang tập trung chuẩn bị cho vòng loại Olympic cũng gặp những khó khăn cần khắc phục như: chế độ dinh dưỡng, các loại thuốc bổ, trang thiết bị tập luyện... đến việc việc tăng cường tập huấn hay thi đấu cọ sát ở nước ngoài. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện luyện tập và thành tích thi đấu của các VĐV.
Cũng giống như Cử tạ, môn Vật cũng chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của các địa phương. Chỉ một vài địa phương có phong trào mạnh chú trọng vào việc phát triển môn này như Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh... Mục tiêu chính của môn Vật trong năm nay là việc giành được suất tham dự Olympic 2008. Hy vọng được đặt lên vai các nhà đương kim vô địch SEA Games 24 như Nghiêm Thị Giang. Dù thành tích thi đấu của các VĐV Vật khá ổn định nhưng so với các đối thủ ở tầm Châu lục, chúng ta vẫn còn khoảng cách không dễ san bằng. Những vấn đề như dinh dưỡng, thuốc bổ và chế độ tập huấn dành cho các VĐV vẫn là vấn đề mà trưởng Bộ môn Vật - ông Lê Ngọc Minh đề nghị cần có sự đáp ứng hợp lý nhằm đáp ứng được yêu cầu tập luyện của các VĐV.
Khác với những môn thể thao trên, Thể hình là môn có phong trào xã hội hoá khá tốt. Các CLB Thể hình được thành lập ở rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Tuy nhiên, vấn đề chính là làm sao quản lý được hoạt động của các CLB này lại chưa được các địa phương chú trọng và hoạt động của các CLB này cũng mới ở bề rộng, chưa thật sự đi vào chiều sâu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đề nghị các bộ môn phải xây dựng lộ trình đào tạo các tuyến VĐV cụ thể. Chế độ dinh dưỡng sẽ được lãnh đạo ngành TDTT nghiên cứu cho phù hợp với từng môn và theo điều kiện thực tế. Mục tiêu chính trong năm 2008 của TTVN là Olympic Bắc Kinh, do vậy, ngành sẽ tập trung trọng điểm vào các môn đang trong vòng tuyển chọn chính thức cũng như một số nội dung thi đấu có khả năng giành được huy chương.
T.Dương