Chống lại tiêu cực trong thể thao hãy nên bắt đầu từ giáo dục

Thế nào là biểu hiện tiêu cực trong bóng đá? Không khó để chúng ta trả lời câu hỏi này, khi các trận đấu luôn được trình diễn công khai và được giám sát chặt chẽ bởi hàng vạn, hàng triệu cặp mắt khán giả. Trong các quyết định kỷ luật các cầu thủ nói trên, chúng tôi có đầy đủ cơ sở để khẳng định là họ "có biểu hiện tiêu cực".

"Chống tiêu cực phải bắt đầu từ giáo dục"

- Khi mới nhậm chức Chủ tịch LĐBĐ VN, một trong những vấn đề ông quan tâm hơn cả là chống tiêu cực. Vừa qua, dưới sự chèo lái của ông, Liên đoàn đã đưa ra 3 quyết định chưa từng có tiền lệ: cấm thi đấu 5 năm với Như Thành và 3 năm với Trung Tuấn, Việt Thắng. Theo ông, những quyết định này có đúng và thuyết phục không?

- Lâu nay, ai cũng biết và hiểu rằng tiêu cực đã bám rễ, ăn sâu vào các hoạt động của BĐVN, nhưng việc đưa ra kỷ luật thường phải chờ sự điều tra của phía công an hoặc đã ra toà (như vụ Trương Văn Dưỡng). Vừa qua, chúng tôi đã thay đổi quan niệm ấy, nghĩa là đã đến lúc phải đưa ra những quyết định kỷ luật nghiêm khắc dựa vào những biểu hiện chuyên môn trên sân cỏ. Bóng đá có luật chơi riêng của mình - đó là Luật của FIFA, AFC và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp VN. Anh có biểu hiện tiêu cực, nghĩa là anh đã không tôn trọng luật chơi và vì vậy anh cần phải bị loại khỏi những cuộc chơi chung. Còn những việc tiếp theo như liên quan đến mua bán độ hay cá độ thì cơ quan công an sẽ điều tra và xử lý tiếp.

Thế nào là biểu hiện tiêu cực trong bóng đá? Không khó để chúng ta trả lời câu hỏi này, khi các trận đấu luôn được trình diễn công khai và được giám sát chặt chẽ bởi hàng vạn, hàng triệu cặp mắt khán giả. Trong các quyết định kỷ luật các cầu thủ nói trên, chúng tôi có đầy đủ cơ sở để khẳng định là họ "có biểu hiện tiêu cực".

Trường hợp của Như Thành là một ví dụ, chính BHL và HLV là những người trực tiếp khẳng định anh ta có biểu hiện tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, HLV chẳng ai lại muốn loại một cầu thủ nòng cốt của mình cả. Còn nữa, bản thân các cầu thủ trong đội phản ánh rằng Thành lôi kéo đồng đội tiêu cực; rồi các chuyên gia, quan chức có mặt trên khán đài dự khán, sau đó xem băng ghi hình cũng khẳng định Thành xuống phong độ khó hiểu. Tôi nghĩ rằng, LĐBĐ VN đã đưa ra những quyết định hoàn toàn đúng và thuyết phục trong phạm vi, quyền hạn của mình, được phần lớn dư luận ủng hộ.

- Dư luận vừa qua có xôn xao về bản "danh sách đen" tới gần 100 HLV, cầu thủ, trọng tài... dính dáng đến tiêu cực do công an cung cấp. Bản danh sách này liệu bao giờ sẽ được công bố và nếu trong đó có những HLV, cầu thủ nổi tiếng thì LĐ sẽ xử lý ra sao, thưa Chủ tịch?

- Tôi xin khẳng định là cho đến nay, LĐ chưa nhận được bất cứ bản danh sách đen nào do phía công an cung cấp. Thực tế thì phía cảnh sát trong cuộc chiến chống cá độ, đánh bạc và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác có thể đã phát hiện ra một số cầu thủ dính dáng đến tiêu cực (dàn xếp tỷ số - bán độ) và thông báo lại cho LĐ cũng như các đội bóng để cảnh giác, theo dõi. Sự phối hợp như vậy là hết sức bình thường, chứ giấy trắng, mực đen để kết luận những người dính dáng đến tiêu cực thì chưa. Tuy nhiên, nếu thật sự có bản danh sách đen ấy và trong đó có những HLV, cầu thủ nổi tiếng thì chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý, không có bất cứ một ngoại lệ nào.

- Theo Chủ tịch, để triệt tận gốc tiêu cực trong bóng đá Việt Nam, chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu?

- Vấn đề tiên quyết và gốc rễ theo tôi phải là giáo dục - giáo dục ngay từ khi các cầu thủ bắt đầu đến với bóng đá từ ở nhà trường. Từ nhỏ, các em phải nhận thức được lòng yêu nghề, sự gắn bó và trách nhiệm đối với công chúng. Nói nôm na, các cầu thủ cần có lòng tự trọng nghề nghiệp cao độ.

Thứ hai, bản thân các tổ chức bóng đá, CLB cho đến ĐTQG cần phải luôn giữ vững kỷ cương, kỷ luật, không được bao che, nâng đỡ cho bất cứ trường hợp nào vi phạm nội quy, quy chế và xa hơn là dính dáng đến tiêu cực.

Chống tiêu cực trong bóng đá cũng phải luôn song hành với cuộc chiến chống tiêu cực trong xã hội. Nói ngay như nạn cá độ bóng đá, nó đã trở thành một căn bệnh quá nặng nề và tác động sâu sắc đến bóng đá. Nếu xã hội ta loại trừ được căn bệnh này thì chắc chắn tiêu cực trong bóng đá sẽ khó có đất phát triển. Tiêu cực như vũng bùn của xã hội, đã sa vào đó thì các cầu thủ rất dễ trượt chân, mà đã trượt chân ngã thì thương vong là chuyện tất yếu.

"Liên đoàn cần phải nâng tầm hơn"

- Nếu tự đánh giá về lòng hâm mộ bóng đá của bản thân, Chủ tịch có thể cảm nhận mình đang ở cấp độ nào?
- (Cười to) Thật khó để nói chính xác điều này. Chỉ biết rằng, thuở bé tôi tham gia chơi rất nhiều môn thể thao khác nhau và cả những hoạt động văn hoá, văn nghệ. Nhưng khi được biết và chơi bóng đá thì tất cả những gì trước đó bỗng nhiên lùi lại phía sau. Đối với tôi, bóng đá là số một và nó có sức lôi cuốn thật kỳ diệu, tôi đã luôn gắn bó với trái bóng suốt từ thời học sinh cho đến sinh viên.

Chỉ đến khi làm một cán bộ của ngành thông tin đòi hỏi rất nhiều thời gian, tôi không còn theo dõi và tham gia được với bóng đá. Nhưng lúc đảm nhận chức Chủ tịch LĐBĐ VN và trở lại với bóng đá thì tôi đã dành rất nhiều thời gian cho nó. Tôi cảm thấy thật sự rất hay và thú vị. Bây giờ, ngày nào tôi cũng đọc tới 5-6 tờ báo thể thao, điều mà trước kia không thể. Có lẽ lòng hâm mộ bóng đá của tôi không kém gì lòng đam mê công việc bưu chính viễn thông mà tôi đang làm đâu, thậm chí còn cảm thấy hấp dẫn hơn!

- Nghe nói thời còn trai trẻ, khi học tập bên nước Đức, Chủ tịch từng là một trung vệ khét tiếng. Vậy, Chủ tịch có thể nói về mẫu cầu thủ mình yêu thích?

- Tôi luôn đánh giá rất cao yếu tố tinh thần, nghĩa là một cầu thủ khi đã vào sân phải chơi hết mình, xả thân.

- Sau thời gian làm việc tại LĐBĐ VN, nếu đưa ra một đánh giá chung nhất về hoạt động của Liên đoàn, Chủ tịch có thể nói gì?

- Những năm qua, LĐBĐ VN đã có những bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi bóng đá VN tới chuyên nghiệp hoá, theo đó những kết quả giành được rất đáng khích lệ. Ban chấp hành về cơ bản là đoàn kết tốt. Tuy nhiên, tầm cỡ của Liên đoàn còn chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân, bởi bóng đá ở VN ngoài việc là một môn thể thao còn thể hiện màu cờ sắc áo, ý chí, khát vọng của đất nước, dân tộc...

Tại Hội nghị tổng kết cuối năm vừa qua, Liên đoàn đã đề ra những nhiệm vụ quan trọng, trong đó yêu cầu cấp bách là phải đổi mới mạnh mẽ cách thức hoạt động, trình độ tổ chức, các vấn đề về tài chính, luật pháp, hành chính, quan hệ quốc tế... Tất cả cần phải được thực hiện ở tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn. Tôi tin rằng, thành công của SEA Games và sự đoàn kết của các thành viên, chắc chắn sắp tới LĐBĐ VN sẽ có những chuyển biến tích cực.

- Áp lực công việc của một Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông cùng với áp lực của một Chủ tịch LĐBĐ VN, ông đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi và có ý định rút lui khỏi Liên đoàn?

- Cho đến lúc này tôi vẫn hoàn thành trách nhiệm của mình trên cả 2 cương vị. Dù công việc quả là nặng nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mệt mỏi mà ngược lại thấy rất hay và hấp dẫn. Khi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch Liên đoàn, tôi đã rất bất ngờ nhưng Nhà nước đã giao nhiệm vụ và tín nhiệm thì tôi sẽ cố gắng làm hết nhiệm kỳ này.


Theo VietNamNet
 

Ảnh trong bài
  • Chống lại tiêu cực trong thể thao hãy nên bắt đầu từ giáo dục