Bộ môn Cờ: tăng cường lực lượng VĐV trẻ.(26/02/2008)

Để đạt được thành tích như hôm nay là do nhiều yếu tố, song một trong những lý do đó là sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Bộ môn và Liên đoàn Cờ Việt Nam đặc biệt trong việc đẩy mạnh xã hội hoá nhằm phát triển môn thể thao trí tuệ này cả về phong trào và thành tích của VĐV.

Theo kế hoạch công tác, trong thời gian này, lãnh đạo Tổng cục TDTT tiếp tục chương trình duyệt kế hoạch công tác năm cho các Bộ môn. Sáng 26/2, ông Đặng Tất Thắng - Trưởng Bộ môn Cờ đã có buổi bảo vệ kế hoạch trước Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng. Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng trực thuộc Tổng cục TDTT.

Kể từ những năm đầu mới được thành lập (1991) đến nay, Bộ môn Cờ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 2007 cũng không ngoại lệ. Không những hoàn thành những chỉ tiêu, trong năm vừa qua, môn Cờ của Việt Nam đã vượt xa thành tích đề ra. Đặc biệt có những thành tích lần đầu tiên Cờ Việt Nam lập được. Đó là sự kiện Cờ tướng Việt Nam vượt qua đội tuyển Trung Quốc - cường quốc về Cờ, giành HCV quý giá. Đó còn là chiến thắng 2-0 của đội Cờ vua nữ Việt Nam trước đội tuyển Trung Quốc cùng tại Indoor Games 2 được tổ chức tại Ma Cao – Trung Quốc. Bên cạnh đó là những tấm huy chương với những thứ hạng cao tại các giải khu vực và thế giới do các VĐV Cờ vua mang về.

Ông Đặng Tất Thắng - Trưởng Bộ môn Cờ bảo vệ kế hoạch
 (Ảnh: Y Trang)

Từ năm 1980, các giải nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia luôn ổn định 5 giải với đầy đủ hệ thống hạng nhất, hạng nhì và hệ thống giải trẻ. Trong hệ thống các giải trẻ, Bộ môn tổ chức giải cho các lứa tuổi: 7, 9, 11, 13, 15, 18, 20. Đặc biệt với việc tổ chức thi đấu giải cấp quốc gia cho lứa tuổi rất nhỏ từ 7 tuổi đã tạo điều kiện cho việc đào tạo lực lượng VĐV kế cận một cách bài bản ngay từ những ngày đầu tập Cờ. Do vậy, quy trình đào tạo của môn Cờ đã không gặp nhiều khó khăn. Đây là một cách làm được đánh giá là hết sức khoa học, đáng để học tập.

Mặc dù với số lượng VĐV trong đội tuyển tương đối ít (ĐTQG từ 10 – 12 VĐV, tuyển trẻ 20 VĐV) song lực lượng này đã gặt hái nhiều thành công, tạo tiếng vang cho làng Cờ Việt Nam nói riêng và vị thế cho Thể thao Việt Nam nói chung trong khu vực cũng như trên thế giới.

Để đạt được thành tích như ngày hôm nay, có nhiều yếu tố song một trong những lý do đó là sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Bộ môn và Liên đoàn Cờ Việt Nam đặc biệt trong việc đẩy mạnh xã hội hoá nhằm phát triển môn thể thao trí tuệ này cả về phong trào và thành tích của VĐV.

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ môn, năm 2008, Bộ môn cũng đã đề ra phương hướng với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về nhiều mặt hoạt động: huấn luyện, thi đấu, đào tạo Trọng tài, trang thiết bị… Đặc biệt , trong năm tới, Bộ môn sẽ tăng cường số lượng VĐV của đội tuyển trẻ và sẽ mở rộng địa điểm tập trung (ngoài Trung tâm HLTTQG II, sẽ tập huấn tại TTHLTTQG III và IV). Bên cạnh đó, trong năm tới, việc Việt Nam đăng cai giải Vô địch Cờ vua trẻ thế giới (tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 10) không chỉ là thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn đặt ra cho Bộ môn nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm chuẩn bị một cách tốt nhất, chu đáo nhất trong đó có vấn đề về kinh phí, xã hội hoá…

Sau khi nghe các kết quả hoạt động năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ năm 2008 do ông Đặng Tất Thắng báo cáo và các ý kiến đóng góp tích cực của các thành viên tham dự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đánh giá rất cao thành tích của bộ môn Cờ. Phó Tổng cục trưởng cũng đã đề nghị Bộ môn bổ sung một số vấn đề cần thực hiện và được thể hiện trong kế hoạch: quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý nhà nước (đặc biệt là xây dựng các định mức của Bộ môn về: số lượng VĐV đội tuyển tập huấn hàng năm, hệ thống các giải quốc gia, trang thiết bị…); làm rõ hơn các giải pháp thực hiện; chuẩn bị lực lượng tham dự các Đại hội thể thao lớn trong thời gian tới như Indoor Games 3, SEA Games 26, ASIAD 16…; tham gia vào công tác chuẩn bị cho Indoor Games 3…


Nguyễn Siêm
 

Ảnh trong bài
  • Bộ môn Cờ: tăng cường lực lượng VĐV trẻ.(26/02/2008)