Những người thầm lặng!

Cái tiếng “Nhổn” hay “Nhổn City”đã trở nên thân thuộc với dân trong ngành thể thao. Nói tới chúng, người ta sẽ nghĩ ngay đến Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I, nơi tập trung hầu hết những VĐV ưu tú nhất của thể thao Việt Nam…

Cái tiếng “Nhổn” hay “Nhổn City”đã trở nên thân thuộc với dân trong ngành thể thao. Nói tới chúng, người ta sẽ nghĩ ngay đến Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I, nơi tập trung hầu hết những VĐV ưu tú nhất của thể thao Việt Nam…

Một trung tâm huấn luyện lớn và hiện đại nhất Việt Nam

Nhổn đã trở thành địa điểm thân thương của VĐV tất cả các đội tuyển

Gọi “Nhổn” là do quen miệng chứ thực tế bây giờ, Trung tâm nằm ở những 4 địa điểm. Trên địa bàn xã Xuân Phương (từ Liêm, Hà Nội) và Di Trạch (Hoài Đức, Hà Tây) có hai khu A và B, khu D ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), khu C ở thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Bây giờ nếu muốn gọi tên trung tâm theo tên địa danh như trước chắc khó.

Nói thế cũng để thấy sự phát triển về quy mô của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I nhanh như thế nào. Tiền thân của trung tâm là Trường huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương vang bóng một thời (thành lập ngày 19-11-1959). Từ lúc thành lập đến cuối những năm 80 thế kỷ trước, Trung tâm có 1 khu, cơ sở vật chất tuềnh toàng. Những ngày ấy cả nước cùng khó khăn không thể đòi hỏi gì hơn. Chỉ đến sau này, khi thể thao đất nước hướng tới những đấu trường quốc tế, nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm mới được đặt ra.

Đến giờ trong hoàn cảnh chung của đất nước, những điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm có thể coi là lý tưởng nhất. Một trường bắn hiện đại nhất Đông Nam á, sân điền kinh đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể đăng cai tổ chức được bất cứ giải quốc tế nào; nhà tập thể dục, sân bóng đá, bể bơi các nhà tập khác… đều vào hàng “xịn” nhất cả nước, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tập luyện và thi đấu quốc gia. Tất nhiên để Trung tâm tiếp tục đáp ứng yêu cầu trong những năm tới còn nhiều việc phải làm. Nào là phải thành lập một bệnh viện thể thao nhỏ trong trung tâm để chữa trị kịp thời những chấn thương đơn giản, đội ngũ y bác sỹ phải được bổ sung với một chế độ đãi ngộ đặc thù (như hưởng lương cao hơn mức lương khởi điểm chẳng hạn), phòng nghiên cứu khoa học thể thao cũng phải có, cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc cấp cứu VĐV cũng cần được bổ sung…

Những người thầm lặng

Truyền thống, sự hiện đại, những thành tích của Trung tâm I là chuyện mà nhiều người biết. Nhưng chuyện những người phục vụ ở Trung tâm đóng góp thế nào vào sự thành công của các tuyển thủ, của Trung tâm những năm qua lại ít ai biết (chính xác hơn là ít quan tâm). Trong 150 cán bộ công nhân viên của Trung tâm, có tới 2/3 là thuộc diện hợp đồng. Nhưng có một điểm chung là dù biên chế hay hợp đồng thì yêu cầu lại như nhau. Và để hoàn thành yêu cầu ấy là chuyện không đơn giản.

Như chuyện ở phòng quản lý Trường bắn. Cách đây hai năm, quản lý trường bắn còn đỡ vất vả nhưng từ khi trường bắn đĩa bay, bắn cung được đưa vào hoạt động thì công việc nhiều gấp bội. Sơ sơ cả trường bắn cũng có gần chục hạng mục như trường bắn cự ly 10m, 25m, 50m, chung kết, bắn đĩa bay, bắn cung rồi kho tàng, súng ống, đạn dược... Trong khi đó bình thường, cứ một trường bắn là phải có 2 người quản lý.

Phòng y học thể thao của Trung tâm cũng trong cảnh tương tự. Hiện tại phòng chỉ có 13 bác sỹ nhưng phụ trách tới 37 đội tuyển. Hai đội bóng đá nam nữ được tập trung cũng “ngốn” của phòng tới 4 bác sỹ. 9 người còn lại phụ trách hơn 30 đội tuyển, chuyện không tưởng nhưng họ vẫn phải hoàn thành. Ngày đã bận, tối còn bận hơn vì đây là lúc các tuyển thủ cần đến những biện pháp hồi phục…

Ở phòng nuôi dưỡng , chỉ riêng khu A và B có 15 người/khu. Từng ấy người nhưng có lúc phải lo bữa ăn cho 600 đến 700 người. ở phòng này, không có ai làm việc dưới 10 tiếng/ ngày, lúc cao điểm lên tới 14 tiếng đến 16 tiếng/ ngày. Buổi làm việc của họ chỉ kết thúc khi VĐV cuối cùng rời mâm, có hôm là 9h tối. Giờ làm việc không ổn định đã đành nhưng chuyện phải lo làm sao để VĐV ăn ngon miệng, đủ tái tạo năng lượng mới là chuyện khó. Thực đơn của nhà bếp trung tâm trong một tuần phải bảo đảm không lặp lại các món ăn. Đã thế Trung tâm lại là nơi tập trung những tinh hoa thể thao ở 3 miền, mỗi miền một khẩu vị khác nhau, nếu không chế biến khéo dễ làm VĐV chán ăn.

Dung hòa được chuyện đấy cũng không dễ. Khối lượng công việc đồ sộ, tất cả đều trông vào với thái độ giám sát, tưởng làm nhà bếp là sướng mà hóa không phải vậy. Không mấy ai biết rằng ở Trung tâm chưa bao giờ có trường hợp ngộ độc thực phẩm. Nhưng chỉ một cái tin là nhà ăn Trung tâm nhập rau không an toàn (dù khi xác minh thì chuyện không phải như vậy) cũng đủ làm xôn xao dư luận . Kể cả khi trắng đen được phân rõ thì không tránh được chuyện tủi thân của kẻ “làm dâu trăm họ”…

Vậy mà khi biết được lương của họ chắc khối người giật mình: ít nhất- 400 nghìn đồng/tháng, trung bình từ 700 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/ tháng. Tiền lương không nhiều nhưng sao họ lại vẫn làm việc ở đây? Cách giải thích của Giám đốc Trung tâm Đặng Ngọc Tuấn khá thuyết phục:” Thứ nhất, hầu hết mọi người đều ở gần trung tâm: thứ hai, họ được tạo điều kiện để nâng cao kiến thức chuyên môn; thứ ba, họ yêu thích thể thao và thích được tiếp xúc, phục vụ, giúp đỡ các VĐV “.

Ông Giám đốc Trung tâm thẳng thắn:” Nói tới Trung tâm này thì trước tiên phải nói về họ, gần 150 con người thầm lặng. Nếu không có sự nỗ lực của họ, thử hỏi Trung tâm có được như bây giờ?”.

Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I là nơi quản lý, huấn luyện và đào tạo VĐV lớn nhất cả nước, có thể tổ chức tập luyện cho 35 đến 40 đội tuyển với tổng số từ 700 đến 800 VĐV, HLV, chuyện gia.Trong nhiều năm qua , Trung tâm đã đóng góp đáng kể vào thành tích của thể thao Việt Nam tại Olympic, ASIAD, SEA Games, các giải vô địch thế giới, châu á, Đông Nam á. Tại SEA Games 22, các VĐV tập huấn tại Trung tâm đã giành được 133/155 HCV, 79/97 HCB, 70/91 HCĐ cho đoàn thể thao Việt Nam, góp phần đưa đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên xếp thứ nhất khu vực Đông Nam á. Trung tâm đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và ngày 26-11 Trung tâm sẽ tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

 

Theo VietNam Net
 

Ảnh trong bài
  • Những người thầm lặng!