Báo chí của Bộ VHTTDL tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền(22/04/2008)

Thực tiễn của công cuộc đổi mới và điều chỉnh trong quản lý đã tạo điều kiện ý nghĩa quyết định cho báo chí cả nước nói chung, báo chí của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng đã có bước phát triển về nhiều mặt, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đồng thời, hiện nay, lực lượng báo chí ấy còn là diễn đàn của nhân dân.

 

Họp giao ban các cơ quan báo chí của Bộ VH, TT và DL. Ảnh: Y Trang
Từ khi sáp nhập Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ có tổng số 15 đầu báo trong đó 01 báo và 01 tạp chí trực thuộc Bộ (có tên trong Nghị định 185/2008/NĐ-CP) và 13 báo, tạp chí trực thuộc đơn vị (5 báo và tạp chí có tên trong Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 8 báo và tạp chí còn lại đưa vào Quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ của đơn vị). Hiện nay, lực lượng báo chí của Bộ đang có sự phát triển mạnh và khá toàn diện với nhiều yếu tố mới như: sự phát triển đa dạng các loại hình báo chí, tăng nhanh về số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên...

Thực tiễn của công cuộc đổi mới và điều chỉnh trong quản lý đã tạo điều kiện, ý nghĩa quyết định cho báo chí cả nước nói chung, báo chí của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng, từng bước phát triển về nhiều mặt, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đồng thời trở thành diễn đàn của nhân dân.

Là một kênh thông tin quan trọng, truyền tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ, Ngành đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan báo chí, hoạt động báo chí của Bộ đã thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội nhằm hoàn thiện, phát huy hiệu quả xã hội một cách sâu, rộng nhất, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên cả nước.

Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền cho các hoạt động của Bộ, Ngành, các hoạt động báo chí của Bộ trong thời gian qua đã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng một phần nhu cầu văn hoá, giải trí của nhân dân. Đồng thời, giới thiệu với các dân tộc và bạn bè trên thế giới về đất nước, con người Việt Nam, về những thành tựu của công cuộc đổi mới...

Các cơ quan báo chí của Bộ luôn tích cực tham gia các chương trình, hoạt động chung của Đảng, Nhà nước như: phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cửa quyền, tệ nạn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân...

Mặc dù, đã đạt được nhiều thành tựu song các cơ quan báo chí và hoạt động báo chí của Bộ trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại. Trong buổi họp giao ban các cơ quan báo chí của Bộ ngày 18/4 do Thứ trưởng thường trực Nguyễn Danh Thái chủ trì đã chỉ ra 6 tồn tại. Trong đó, việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức, đôi lúc chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin báo chí tiếp cận kịp thời nguồn thông tin chính xác về các sự kiện xảy ra mà đa số tin tức, sự kiện đều do phóng viên tự khai thác chưa bảo đảm tính chuẩn xác. Hơn nữa, việc tổ chức họp báo thông tin về hoạt động của Ngành đến các cơ quan báo chí và nhân dân còn chưa thường xuyên nên đã phần nào làm hạn chế thông tin. Nếu khắc phục những vấn đề còn tồn tại, chắc chắn các cơ quan báo chí và hoạt động báo chí sẽ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Để khắc phục những tồn tại đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ đã đưa ra những ý kiến đóng góp, kiến nghị đối với Bộ và tập trung vào 6 vấn đề: Ban hành các văn bản kiện toàn lại bộ máy, cơ cấu tổ chức và các cơ chế hoạt động của các đơn vị, cơ quan báo chí; Quy định rõ, cụ thể hơn về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; Tổng biên tập các cơ quan báo chí, đồng thời phát huy tính tự chủ nhưng không buông lỏng quản lý của các cơ quan báo chí; Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước về báo chí cho đội ngũ cán bộ quản lý báo chí; Xây dựng và tổ chức tốt hơn kế hoạch tuyên truyền hàng năm; Xác định rõ cơ chế phối hợp hoạt động giữa người phát ngôn của Bộ với các cơ quan báo chí và duy trì thường xuyên hơn các hình thức cung cấp thông tin cho báo chí theo các quy định hiện hành; Có phương án và chủ trương tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí giải quyết những khó khăn về trụ sở làm việc.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về quản lý để các hoạt động diễn ra theo đúng Luật báo chí. Đồng thời, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động của ngành và thông tin 2 chiều đối với các vấn đề, sự kiện dư luận quan tâm, đặc biệt là quan điểm của Bộ đối với những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Việc giao ban định kỳ các cơ quan báo chí là hình thức chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, được coi là hoạt động ý nghĩa và sẽ được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Linh Giang
 

Ảnh trong bài
  • Báo chí của Bộ VHTTDL tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền(22/04/2008)