![](/Portals/0/EasyDNNNews/24486/24486_37451.jpg) |
(Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW diễn ra vào chiều 21/6 (Ảnh: VDuy) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Thời gian qua, Bộ đã tiến hành sơ kết ở các lĩnh vực chuyên ngành để xây dựng báo cáo tổng kết chung của toàn ngành, đánh giá khá toàn diện các mục tiêu, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp mà Nghị quyết 33 đề cập. Các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều chuẩn mực văn hóa đạo đức mới được hình thành, văn học nghệ thuật cho ra đời nhiều tác phẩm ngày càng phong phú đa dạng; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa..
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ Nghị quyết đối với văn hóa, thể thao và du lịch. Chính vì vậy, Bộ trưởng mong muốn Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, đánh giá, cho ý kiến về những vấn đề trong báo cáo, đưa ra các nguyên nhân và giải pháp với những vấn đề còn hạn chế, bất cập.
Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh: Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ VHTTDL đã thực hiện 6 nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó phải kể đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về văn hóa và con người Việt Nam, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đề án về giáo dục, đào tạo; triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực...
![](/Portals/0/EasyDNNNews/24486/24486_37450.jpg) |
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: VDuy ) |
Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá. Đến nay, Việt Nam có 27 Di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê; 3.486 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 62.283 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê,... Trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện thủ tục ký kết 55 điều ước, thỏa thuận quốc tế về văn hóa với các quốc gia, tổ chức quốc tế, làm cơ sở triển khai hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác liên quan nhằm quảng bá, giới thiệu về văn hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cùng một số đề xuất, kiến nghị trong việc thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian tới. Hội nghị nhận được 9 ý kiến tham luận từ các đại biểu tham dự, trong đó tập trung vào việc phân tích, lý giải kết quả đã đạt được cũng như một số hạn chế khó khăn, và những giải pháp, kiến nghị.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: trong 5 năm qua việc thực hiện Nghị quyết 33 đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa được hình thành, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, nhiều phong trào hoạt động văn hóa đạt được kết quả thiết thực, phát huy được truyền thống văn hóa, gia đình, dòng tộc cộng đồng.
Tuy nhiên so với các thành tựu trên lĩnh vực chính trị kinh tế an ninh đối ngoại thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng. Bộ trưởng khẳng định những nội dung, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/TW vẫn còn rất thời sự và thiết thực. Các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa, từ đó khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt nhiệm vụ của ngành Văn hóa trong những năm tới sẽ rất nặng do đó đòi hỏi sự vào cuộc của toàn ngành để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW trong thời gian tiếp theo.
KC