Tổng cục TDTT hợp tác, ủng hộ đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020

Nhằm triển khai và thực hiện tốt các nội dung và mục tiêu của đề án hướng tới, chiều ngày 5/6 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã có buổi làm việc với ban chủ nhiệm đề án phát triển và ứng dụng công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Theo đó, đề án hướng tới tập trung vào 3 mục tiêu quan trọng: xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất hoạt chất nhân sâm Saponin Rh, Rg bằng phương pháp lên men vi sinh vật. Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm adenosine, cordycepin, polysaccharide, Protein trọng lượng phân tử thấp từ Cordycepsmilitaris. Sản xuất bộ thực phẩm dùng cho vận động viên cấp quốc gia.

Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung vào việc điều tra đánh giá thực trạng dinh dưỡng của vận động viên đội tuyển quốc gia và vận động viên một số nước hành đầu châu Á. Nghiên cứu xây dựng công thức và tiêu chí của bộ thực phẩm và thực phẩm chức năng dùng cho vận động viên cấp quốc gia. Nghiên cứu sản xuất bộ thực phẩm dùng cho vận động viên cấp cao. Nghiên cứu sản xuất chế phẩm hoạt chất nhân sâm Gisenoside Rh, Rg quy mô 100 lít/mẻ. Nghiên cứu quy trình kỹ thuật sản xuất chế phẩm adenosine, cordryceps militaris quy mô 50kg nguyên liệu/mẻ…

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: N.H)
Đặc biệt, đáng chú ý ở đề án này chính là tình hình nghiên cứu phát triển thực phẩm thể thao, được tập trung vào một số mục tiêu như: Các vận động viên thành tích cao trong quá trình luyện tập, thi đấu, đặc biệt là các kỳ đại hội thể thao quốc tế ở nước ngoài, do bị hạn chế về mặt thời gian phải thi đấu trong ngày từ sáng sớm đến tối và di chuyển liên tục không có thời gian để chuẩn bị và sử dụng bữa ăn thông thường. Chính vì vậy có được một khẩu phần ăn chế biến sẵn phù hợp đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng, năng lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiện lợi sử dụng, văn minh cho các vận động viên trong các giai đoạn và thời điểm này là cần thiết và rất quan trọng.

Cùng với đó, đối với vận động viên phải hoạt động trong điều kiện khẩn trương, căng thẳng thì vấn đề cung cấp thức ăn chế biến sẵn phù hợp với các tuyển thủ là điều hết sức quan trọng. Nếu cơ thể bị dị ứng với thức ăn, khẩu vị không phù hợp hoặc không thể sử dụng liên tục, thì dinh dưỡng phong phú, giá trị cao cũng không có hiệu quả và sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng thi đấu của họ. Do đó, nâng cao khả năng hấp thu là yêu cầu cần thiết đầu tiên khi chế biến thức ăn chế biến sẵn dành cho vận động viên thể thao.

Mục đích thức ăn chế biến sẵn (sản xuất sản phẩm mà đề án đang nghiên cứu) là cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng thiết yếu cho vận động viên. Cơ cấu dinh dưỡng hợp lý giúp tăng cường thể chất, nâng cao khả năng thi đấu của vận động viên và phục hồi nhanh sức khỏe sau thi đấu. Nhu cầu năng lượng phù hợp với từng đối tượng, nhiệm vụ và môn Thể thao thi đấu cụ thể; được tiêu chuẩn hóa chi tiết về các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt la các vi chất dinh dưỡng.

Sau khi lắng nghe thuyết minh từ ban chủ nhiệm đề án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đánh giá cao các nội dung nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Thể dục Thể thao của đề án. Tổng cục Thể dục Thể thao hoàn toàn ủng hộ về mặt chủ trương cũng như sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất đề các nội dung nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Thể dục Thể thao của đề án được triển khai hiệu quả và thành công nhất.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho hay: nếu sản phẩm dành cho vận động viên được đưa vào thử nghiệm thì đối tượng lựa chọn nên áp dụng cho tuyến vận động viên trẻ (ít phải đi tập huấn, thi đấu). Đặc biệt, các sản phẩm khi đưa vào sản xuất, đặc biệt chú ý tới các chất nằm trong danh sách chất cấm (Doping).

N.H 

Ảnh trong bài
  • Tổng cục TDTT hợp tác, ủng hộ đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020