Luật Thể dục, thể thao đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 12 tháng 12 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2007. Luật TD,TT gồm 9 chương 79 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật TD,TT; áp dụng Luật TD,TT; chính sách của Nhà nước về phát triển TDTT; quản lý nhà nước về TDTT; những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT; TDTTquần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; TDTT trong lực lượng vũ trang; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; nguồn lực phát triển TDTT; Uỷ ban Olympic Việt Nam và tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao; hợp tác quốc tế về thể thao; thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm về TDTT.
Luật TD,TT được xây dựng dựa trên quan điểm về thể chế hoá quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác TDTT. Phát triển phong trào TDTT rộng khắp nhằm nâng cao sức khoẻ cho mọi người, góp phần phát triển toàn diện nhân cách, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao thành tích thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và tham gia các hoạt động thể thao quốc tế nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đáp ứng yêu cầu hội nhập phù hợp thông lệ quốc tế;
Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động TDTT coi TDTT là sự nghiệp của toàn xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia, đóng góp cho hoạt động TDTT và hưởng thụ các thành quả do TDTT mang lại cũng là một trong những quan điểm xây dựng Luật TD,TT
Quan điểm kế thừa các quy định của Pháp lệnh TD,TT khắc phục những bất cập trong hoạt động TDTT và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt nam; bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật nước ta cũng đã được vận dụng vào việc xây dựng Luật.
Theo quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2007/NĐ- CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật TD,TT. Nghị định 112/2007/NĐ-CP quy định chi tiết các Điều 4, 10, 11, 21, 28, 31, 50, 53, 55, 56, 57, 65 và 67 của Luật TD,TT. Nghị định quy định cụ thể chính sách của nhà nước về phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao, giáo dục thể chất và thể thao trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trong lực lượng vũ trang; quy định về việc sử dụng đất đai dành cho phát triển TDTT; quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao; quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT; kinh doanh hoạt động của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; hoạt động của đơn vị sự nghiệp thể thao, doanh nghiệp thể thao và hộ kinh doanh hoạt động thể thao. Tại Nghị định này Chính phủ giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành ban hành hoặc chủ trì , phối hợp ban hành các văn bản thực hiện và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo luật định để đưa Luật TD,TT vào thực tiễn.
Ngày 20 tháng 7 năm 2007 Bộ trưởng, Chủ nhiêm Uỷ ban TDTT (nay là Bộ Văn hoá , Thể thao và Du lịch) đã ban hành Thông tư số 05/2007/TT-UBTDTT hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 112/2007/NĐ-CP về cộng tác viên TDTT, điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của CLB thể thao chuyên nghiệp, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao.
Căn cứ các quy định của Luật TD,TTo và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, Uỷ ban TDTT trước đây đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về TD,TT đang còn hiệu lực để sửa đổi bổ sung hoặc huỷ bỏ, ban hành mới cho phù hợp với quy định của luật. Kết quả đã có 07 văn bản QPPL do Uỷ ban TDTT ban hành được công bố hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Theo quy định của Luật TD,TT các cơ quan quản lý nhà nước về TD,TT ở trung ương cần phải ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi luật trong giai đoạn hiện nay. Đến nay đã có 5 văn bản đã được ban hành. Một số văn bản đã cơ bản hoàn chỉnh dự thảo đang trình cấp có thẩm quyền ký ban hành; một số văn bản đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi bổ sung hoàn thiện; một số văn bản chưa được triển khai xây dựng.
Vũ Trọng Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTT&DL