|
Toàn cảnh buổi Lễ công bố Điều tra
gia đình năm 2006 (Ảnh; NH)
|
Dưới tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các mối quan hệ gia đình cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình hiện nay đã, đang có những thay đổi về các giá trị và chuẩn mực. Để có những thông tin chuẩn xác và đầy đủ về thực trạng gia đình Việt Nam thời hội nhập, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây (nay là Vụ Gia đình - thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc đã tiến hành cuộc "điều tra gia đình Việt Nam năm 2006". Đây là cuộc điều tra lần đầu tiên được tiến hành trên phạm vi toàn quốc.
Tại buổi Lễ công bố kết quả điều tra gia đình năm 2006, được tổ chức vào sáng 26/6/2008, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Ban điều hành điều tra đã báo cáo tóm tắt các kết quả điều tra của 4 lĩnh vực gồm: quan hệ gia đình, các giá trị và chuẩn mực của gia đình, kinh tế gia đình, điều kiện sống và phúc lợi xã hội. Trong số rất nhiều nội dung điều tra, thu thập thông tin về việc tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao của các gia đình Việt Nam được tiến hành theo 3 nhóm đối tượng gồm: vị thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi.
Theo đó, đối với vị thành niên, có tới 71% tham gia tập luyện TD,TT thường xuyên. Trong đó, tỷ lệ nữ tham gia tập luyện TD,TT ít hơn nam và hoạt động TD, TT tập trung chủ yếu ở thành thị, các vùng đông dân cư. Phong trào tập luyện TD, TT ở lứa tuổi vị thành niên giữa các vùng, miền cũng có sự chênh lệch khá lớn: Tây Bắc - 34,9% (thấp nhất), Bắc Trung Bộ - 88,5% (cao nhất)... Tỷ lệ vị thành niên sống tại các khu dân cư có các cơ sở văn hoá, thể thao dành cho lứa tuổi này là: nhà văn hoá (40,4%), sân chơi thể thao (44,1%), Câu lạc bộ TDTT (18,1%) và bể bơi (3,3 %). Có tới 63% vị thành niên ở Bắc Trung Bộ sống trong khu dân cư có nhà văn hoá và 69,5% có sân chơi thể thao, đạt tỷ lệ cao nhất trong 8 vùng. Tiếp theo đó là đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ tương ứng là 54,7% và 61,2% và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất, tương ứng là 22% và 22,6%.
Đối với người trưởng thành, số người tham gia tập luyện TD,TT chỉ chiếm tỷ lệ 31,8% (ở thành thị là 46,6% và nông thôn là 25,9). Ở lứa tuổi này, tỷ lệ nữ tham gia tập luyện TDTT chiếm 35%, cao hơn so với nam giới (31%).
Đối với người cao tuổi, tỷ lệ tham gia tập luyện TDTT chiếm tới 86,3 %. Cuộc điều tra còn cho thấy tỷ lệ người cao tuổi sống tại khu dân cư có các cơ sở văn hoá, thể thao là: nhà văn hoá (43,2%), sân chơi thể thao (43,1%), CLB (28,8%) và bể bơi (3,4%). Tuy nhiên, tỷ lệ này còn không đồng đều. Khu vực Bắc Trung Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất là (64,1% và 65,8%) và thấp nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (24% và 21%)...
Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: "những dữ liệu này sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất chính sách xây dựng các gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm nền tảng cho việc theo dõi, đánh giá sự phát triển của gia đình cũng như tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về gia đình ở Việt Nam".
HKT