Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ (VPCP) kiến nghị xử lý nghiêm minh đồng thời, thay thế luôn những cán bộ, công chức không đủ năng lực. Hàng tháng, VPCP sẽ tổng hợp tình hình xử lý các vụ việc này để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải về các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2004.
Kết luận của Thủ tướng về đề án xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao và một số dự thảo liên quan đến cải cách hành chính Nhà nước... cũng được công bố trong chiều cùng ngày.
Theo đó, để thiết lập kỷ luật, kỷ cương và chống tham nhũng trong bộ máy hành chính Nhà nước, chấm dứt tình trạng "hành dân", trong 6 tháng cuối năm 2004, Thủ tướng giao VPCP chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ lựa chọn những vụ việc điển hình, cụ thể để xem xét, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý dứt điểm. Nếu các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không phù hợp thì cũng cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Thời gian gần đây báo chí và dư luận quần chúng rất quan tâm phản ánh tình trạng thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, nhiêu khê theo kiểu "hành dân"; nhiều trường hợp một số cán bộ, công chức ở các ngành, các cấp có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, gây bất bình trong dư luận... nên Thủ tướng yêu cầu VPCP kiến nghị xử lý nghiêm minh đồng thời, thay thế luôn những cán bộ, công chức không đủ năng lực. Hàng tháng, VPCP sẽ tổng hợp tình hình xử lý các vụ việc này để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Về đề án xã hội hoá 4 lĩnh vực trọng tâm là giáo dục, văn hoá, thể thao và y tế, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả tốt đã đạt được trong việc tiến hành xã hội hoá các lĩnh vực nói trên nhiều năm qua, nói chung các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo triển khai còn chậm, chưa quyết liệt, sâu sát nên kết quả còn hạn chế. Căn nguyên của tình trạng trên, theo Thủ tướng, là do nhận thức chưa thống nhất, cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ và chưa đủ cụ thể, cơ chế quản lý còn tập trung quá mức, chậm được đổi mới.
Để khắc phục tình trạng trên, đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực trên trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: "Cần kiên quyết và tập trung chỉ đạo thực hiện, khắc phục tư tưởng bao cấp, ỷ lại thì mới có thể tạo ra chuyển biến cơ bản.
Theo kế hoạch của Chính phủ, từ nay đến 2010, phải cơ bản hoàn thành việc thực hiện các mục tiêu xã hội hoá (XHH) trên 4 lĩnh vực: giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao và y tế. Trong đó, XHH giáo dục đào tạo sẽ tập trung đẩy mạnh đào tạo ĐH, CĐ và dạy nghề, phấn đấu đến năm 2010 chuyển được khoảng 40 - 50% số trường ĐH, CĐ hiện có sang mô hình dân lập; XHH y tế là tạo mọi điều kiện để thiết lập mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, kể cả chuyển một bộ phận bệnh viện hiện có sang mô hình cổ phần.
Trong lĩnh vực thể thao, XHH không chỉ đẩy mạnh đối với hoạt động thể dục thể thao nghiệp dư, phong trào thể thao quần chúng mà cần nghiên cứu đẩy mạnh XHH cả trong thể thap chuyên nghiệp. Riêng với lĩnh vực văn hoá, đáng chú ý là việc nghiên cứu sắp xếp các tổ chức hoạt động văn hoá chuyên nghiệp theo tinh thần chỉ giữ lại một số đoàn nghệ thuật lớn và nghệ thuật truyền thống do Nhà nước trực tiếp quản lý, chuyển phần lớn các tổ chức biểu diễn nghệ thuật sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Để đẩy mạnh XHH các lĩnh vực nói trên, Thủ tướng nhắc nhở: cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ XHH với tăng cường quản lý Nhà nước để ngăn chặn các tiêu cực, lệch lạc; các bộ, ngành chủ trì và địa phương phải có kế hoạch chặt chẽ, bước đi cụ thể mới mong đạt được hiệu quả.
Theo VietNamNet