Sáng 10/7/2008, tại trụ sở Bộ VH, TT & DL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì buổi họp bàn về vấn đề đưa gia đình học thành một chuyên ngành trong các cơ sở đào tạo của Bộ VH, TT & DL.
Đại diện Vụ Gia đình - Bộ VH, TT & DL đã có báo cáo tại cuộc họp, trong đó nêu rõ tầm quan trọng của việc đưa gia đình học thành một chuyên ngành trong các cơ sở đào tạo của Bộ VH ,TT & DL.
Trong giai đoạn mới, khi nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển, vấn đề gia đình càng được chú trọng hơn. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội, gia đình cũng chính là động lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự quan tâm đó thể hiện ở các văn kiện như Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chỉ thị số 49 của Ban bí thư, Quyết định 106 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam, Quyết định TTCP số 72 lấy ngày 28/6 là Ngày gia đình Việt Nam...
Vai trò của gia đình trong xã hội luôn được coi trọng, đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sự hưng, thịnh của một quốc gia. Do đó vấn đề củng cố và ổn định gia đình ngày càng được quan tâm. Trên thế giới, các quốc gia đã đưa gia đình học trở thành một bộ môn, một chuyên ngành học được nhiều người yêu thích.
Năm 1994 được coi là năm Liên hiệp quốc phát động, đề cao vai trò và các giá trị của gia đình, yêu cầu Chính phủ các nước đầu tư cho gia đình, coi đó là nguồn lực cho sự phát triển xã hội.
|
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái lắng nghe ý kiến tại cuộc họp (Ảnh: Thu Anh) |
Ở nước ta, đề xuất đưa gia đình học trở thành một chuyên nghành đào tạo đã có từ lâu nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Gần đây mới có 2 trường Đại học đưa gia đình học thành một bộ môn đào tạo, đó là: Đại học Mở Tp.Hồ Chí Minh (5 năm), và Đại học Công đoàn (3 năm)
Tại buổi họp, đại diện Vụ Đào tạo Bộ VH, TT & DL cũng đưa ra ý kiến nên đưa gia đình học vào giảng dạy ở cấp đào tạo nào: Đại học, Cao đẳng hay Trung cấp.... Ngoài ra, các vấn đề về: giảng viên, lộ trình thực hiện, đơn vị xây dựng đề án, thành viên tham gia cũng là những băn khoăn của các thành viên trong buổi họp.
Sau khi nghe các thành viên dự họp trình bày ý kiến, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Việc chỉ đạo đưa gia đình học thành một chuyên ngành đào tạo trong cơ sở đào tạo của Bộ là một chủ trương đúng đắn, nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình trong thời gian tới. Để đảm bảo đúng yêu cầu của lãnh đạo Bộ là đưa chủ trương này áp dụng vào thực tế trong năm 2009, Vụ Đào tạo giữ vai trò chủ trì phối hợp chặt chẽ với các Vụ liên quan xây dựng Đề án trong thời gian từ nay tới cuối năm để trình Chính phủ phê duyệt. Nội dung Đề án phải đảm bảo đủ những ý cơ bản như: Tình hình thực tiễn của vấn đề này, quan điểm, mục tiêu và dự báo tương lai; Xác định rõ đây là môn khoa học để từ đó có đối tượng điều chỉnh, phạm vi giảng dạy, nghiên cứu. Vì đã có sẵn bộ môn gia đình học trong chương trình đào tạo cán bộ xã hội, có sẵn chương trình giảng dạy cũng như đề cương bài giảng nên có thể tận dụng những chương trình sẵn có và bổ sung một số nội dung phù hợp với chức năng và lĩnh vực mà Bộ đang quản lý.
Đề án cũng cần nêu rõ chương trình, thời gian đào tạo, phương pháp giảng dạy và cấp đào tạo (Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Cao học...). Về cấp đào tạo, chủ trương sẽ đưa làm môn chính quy ở các trường Đại học Văn hoá Hà Nội và Đại học Văn hoá Tp.Hồ Chí Minh. Tại các trường Trung cấp, Cao đẳng là môn phụ, dần dần trở thành môn chính còn đối với các trường Thể thao và Du lịch có thể áp dụng thành chuyên đề hoặc môn phụ. Đây sẽ là nội dung bắt buộc giảng dạy tại trường bồi dưỡng cán bộ VH, TT & DL. Đề án thực hiện tốt, sau khi tiến hành sơ kết, tổng kết sẽ xúc tiến việc xin mã đào tạo, mã ngành nghề. Để có một bản Đề án chặt chẽ, thuyết phục cũng như khi áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, khi xây dựng cần lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nước và nước ngoài ở lĩnh vực này. Phải đảm bảo hoàn thành Đề án theo đúng thời gian lãnh đạo Bộ yêu cầu (cuối năm 2008 hoặc quý I năm 2009), sau khi trình Chính phủ phê duyệt và chấp thuận có thể áp dụng thực hiện cho kỳ thi tuyển sinh vào năm 2009.
Thu Anh