Khu vực II gồm 13 tỉnh, thành phố (từ Quảng Bình đến Khánh Hoà) thuộc Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên hầu như các tỉnh trong khu vực đều gặp không ít khó khăn về kinh tế, xã hội. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, nhất là trong bối cảnh các địa phương trong cả nước thực hiện sáp nhập 3 lĩnh vực trên thành một đơn vị quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Nhằm kiểm tra, đánh giá việc triển khai các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của các tỉnh khu vực II trong 6 tháng đầu năm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi họp giao ban khu vực II, tại Tp. Đà Nẵng vào ngày 18/7/2008. Tham dự buổi họp có: ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các Cục,Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo 13 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các địa phương.
Theo báo cáo của ông Tô Văn Động – Chánh Văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương trong khu vực đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị; công tác quản lý Nhà nước không ngừng được đẩy mạnh, trong đó chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; đặc biệt về công tác chuyên môn của cả 3 lĩnh vực: văn hoá, thể thao và du lịch đều đạt được những thành tựu đáng biểu dương.
Ở lĩnh vực TD,TT cả phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao đều được duy trì và phát triển. Ở mỗi địa phương, nhiều hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức rộng khắp, có quy mô và thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu. Trong đó, phải kể đến những địa phương có phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh như: Đà Nẵng, Huế, Phú Yên, Quảng Nam, Nha trang, Bình Định và Kon Tum. Bên cạnh đó, các hoạt động thi đấu TDTT dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực, với 9,5% số đồng bào dân tộc thiểu số tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao trung bình đạt 3%. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện công tác phát triển TDTT ở cơ sở, ngành TDTT các địa phương đã duy trì và tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian vào hệ thống thi đấu.
Đối với hoạt động thể thao thành tích cao, công tác đào tạo VĐV các tuyến: năng khiếu, trẻ và đội tuyển được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đủ các VĐV tham dự các giải khu vực và quốc gia. Nét mới trong công tác đào tạo VĐV các tuyến tại các địa phương trong khu vực là đã xây dựng lại được quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV ở một số môn như: Bóng bàn, Cầu lông.... Ngoài ra, còn thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu giữa các tỉnh trong khu vực. Việc duy trì huấn luyện các môn năng khiếu như: Điền kinh, Bơi, Đua Thuyền, Cờ Vua, Cờ Tướng, Wushu, Bóng chuyền bãi biển... được thực hiện tốt thông qua việc thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ để kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, xây dựng chương trình, giáo án phù hợp và hiệu quả hơn.
Do có sự tác động, gắn bó chặt chẽ lẫn nhau, nên cùng với hoạt động TDTT, lĩnh vực văn hoá và du lịch cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, do điều kiện chủ quan lẫn khách quan, công tác văn hoá, thể thao và du lịch của các tỉnh khu vực II vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: hệ thống văn bản, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch từ trung ương đến cơ sở chưa hoàn thiện; công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo Sở gặp nhiều khó khăn do trụ sở làm việc của hầu hết các Sở đều không đủ diện tích để bố trí các phòng ban chuyên môn tại 1 địa điểm...
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trên, đồng thời đề ra một số mục tiêu như: nâng cao hiệu lực và hiệu qủa của công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành văn hoá hoá, thể thao và du lịch với các ngành khác như: Công an, Biên phòng...
Tại buổi họp, các thành viên đã cùng nhau thảo luận những vấn đề được coi là cốt nõi về việc thực hiện các Nghị định 13, 14/NĐ-CP, các Thông tư liên tịch... hệ thống cơ sở vật chất của văn hoá, thể thao và du lịch ở địa phương. Riêng lĩnh vực TDTT, các đại biểu đã rất sôi nổi khi phân tích nguyên nhân và các cách phòng chống bạo lực trong thi đấu thể thao; công tác chuyển giao các hoạt động tác nghiệp TDTT cho các tổ chức xã hội và đơn vị ngoài công lâp và tình hình triển khai các Đề án về TDTT ở xã, phường...
Sau khi nghe báo cáo và các vấn đề thảo luận tại buổi họp, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã đưa ra ý kiến chỉ đạo: các địa phương trong khu vực cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tham mưu của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch địa phương với UBND các tỉnh, thành phố, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, từ đó có những giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược để văn hoá, thể thao và du lich các địa phương trong khu vực ngày càng phát triển.
Thế Nhân