TPHCM triển khai đề tài - kế hoạch đào tạo VĐV bóng chuyền nam cấp cao
Hành trình trở lại trung tâm bóng chuyền đỉnh cao
Vừa qua, PGS-tiến sĩ Lê Nguyệt Nga với tư cách là chủ tịch hội đồng xét duyệt cùng 7 thành viên đã thống nhất thông qua đề tài nghiên cứu khoa học: Một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo VĐV bóng chuyền nam cấp cao TPHCM. Có thể nói đây là một đề tài được giới thể thao nói chung và dân bóng chuyền nói riêng quan tâm, hy vọng từ kế hoạch mang tính khoa học này chỉ trong vài năm tới bóng chuyền TPHCM sẽ trở lại là một trung tâm mạnh của cả nước.
Trong những năm của thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước TPHCM luôn luôn được đánh giá là một trung tâm bóng chuyền mạnh nhất trong cả nước mà tiêu biểu nhất là đội bóng Seaprodex từng nhiều năm liền đoạt danh hiệu vô địch quốc gia. Không chỉ mạnh về bóng chuyền, công tác tổ chức điều hành của liên đoàn bóng chuyền thành phố lớn nhất nước này cũng được ghi nhận khi có nhiều hoạt động tập hợp lực lượng, tổ chức phong trào khá sôi nổi bằng nhiều giải trong nước và quốc tế với sự nỗ lực của ông Trần Văn Nghĩa, một hạt nhân của môn bóng chuyền. Thế nhưng khi bước vào thế kỷ 21 bỗng bóng chuyền TPHCM có dấu hiệu sa sút thảm hại cả về phong trào lẫn công tác tổ chức điều hành và bây giờ chỉ còn tồn tại, hoạt động cầm chừng làm không ít người trong nghề ngao ngán, bất lực. Với sự sa sút đáng báo động này thì việc xuất hiện đề tài khoa học nêu trên thực sự là một chiếc phao cần thiết để cứu vớt cho bóng chuyền TPHCM khỏi bị chìm nghỉm.
Theo kế hoạch đã được thông qua, ông Lâm Quang Thành hiện là hiệu trưởng trường đại học TDTT 2 được phân công làm chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự đang công tác tại nhà trường và trung tâm huấn luyện thể thao T.Ư2, liên đoàn bóng chuyền thành phố thực hiện. Từ nay đến tháng 7.2006 Sở TDTT sẽ phối hợp cùng trường đại học TDTT 2 thực hiện đề tài với kinh phí vào khoảng 155 triệu đồng. Trong thời gian này nhóm thực hiện do tiến sĩ Lâm Quang Thành chỉ huy sẽ phải hoàn thành 4 sản phẩm là đánh giá hiện trạng tập luyện và thi đấu của bóng chuyền thành phố. Đề xuất biện pháp nâng cao trình độ tập luyện. Hình thành kế hoạch huấn luyện nâng cao trình độ cho đội bóng chuyền bưu điện thành phố (đây là đối tượng nghiên cứu chính của đề tài). Xác định mô hình đặc trưng của VĐV bóng chuyền nam cấp cao của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Việc cho ra đời đề tài khoa học cho thấy ngành TDTT thành phố như đang ngồi trên lửa vì đây là lần đầu tiên thực hiện một đề tài không dễ
-Theo Lao Động net-