Biết bao giờ TTVN mới tiếp cận được sân chơi Olympic khi Bùi Thị Nhung còn thiếu 12cm nữa mới với tới
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu những phương cách đầu tư cho thể thao thành tích cao không kịp thời thay đổi. Không thể phủ nhận rằng trong thời gian gần đây, nền thể thao Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, đãi ngộ vượt bậc, đã đạt được rất nhiều "hoa thơm quả ngọt". Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chiến công trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, và một chút nào đó, vươn ra tầm châu Á.
Đứng nhất toàn đoàn ở SEA Games 22, 4 HCV ASIAD, HCV Cúp bắn súng Á - Phi, HCV nhảy cao châu Á... "Bảng vàng" đó bỗng nhiên chẳng có ý nghĩa gì khi chúng ta rụt rè và choáng ngợp khi đặt chân vào cánh cổng Olympic Athens - ngôi nhà chung của thể thao thế giới. Những cố gắng, dù đã "vượt ngưỡng" của các VĐV Việt Nam vẫn trở nên quá nhỏ bé.
Hãy hình dung: Lê Văn Dương chạy 800m nam hết 149"81, phá kỷ lục quốc gia, vượt qua cả HCV SEA Games 22, nhưng chỉ được xếp vào nhóm 20 người cuối cùng trong tổng số hơn 160 VĐV dự thi. Bùi Thị Nhung, đương kim vô địch nhảy cao châu Á chỉ qua được mức xà 1m80, còn 12cm nữa mới với tới "sàn" chung kết. Rowing, canoeing, bơi lội, chúng ta đều về chót. Đoàn Kiến Quốc vận dụng hết các "chiêu" cũng chỉ thắng được duy nhất một set bóng bàn. Nguyễn Thị Thiết (cử tạ) hay Nguyễn Mạnh Tường (bắn súng) thậm chí còn không vươn tới "đỉnh" của chính mình...
Ngay cả 2 niềm hy vọng lớn nhất và muộn màng nhất của chúng ta - Quốc Huân và Văn Hùng - cũng chỉ được giới chuyên môn taekwondo đánh giá ở mức trung bình. Sau trận mở màn, thực lực của các VĐV đã lộ rõ. Ở hạng cân của mình, Huân được xếp khoảng thứ 10/16, còn Hùng khoảng thứ 6/16. Như vậy, việc không có huy chương là... đương nhiên, dù Huân có tiến bộ vượt bậc, hay Hùng bị trọng tài xử ép trong một số tình huống nhạy cảm.
Theo ý kiến của những người tâm huyết với thể thao Việt Nam, cốt lõi của "cơn khát" Athens nằm ở chỗ chúng ta đã đầu tư, nhưng thiếu trọng tâm và thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, tất nhiên là những đòi hỏi tự thân của chúng ta cũng rất đỗi mơ hồ. Tiếp tục điệp khúc "phấn đấu vượt qua chính mình, tiếp cận với thành tích thế giới"..., nhưng lại "vuốt đuôi": cố gắng có thành tích nếu may mắn. Vậy là hy vọng của cả một quốc gia lại phụ thuộc vào lá thăm may mắn ư?
Không phải chúng ta không có người tài. Ngay từ năm 2001, ông Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I Nguyễn Hồng Minh đã "lọc" ra được 8 đến 10 "hạt giống" có triển vọng ganh đua trên đấu trường quốc tế. Nhưng làm thế nào để "nảy mầm" thành những cây đại thụ? Một mình ông Minh không thể trả lời được câu hỏi này.
Bao nhiêu năm qua, chúng ta không dám mạnh tay đặt ra những mục tiêu đặc biệt và đầu tư một cách đặc biệt cho mục tiêu đó. Việc phát triển những mũi nhọn trong thể thao đỉnh cao đã gặp phải rất nhiều rào cản, từ đả thông tư tưởng đến các khía cạnh khác liên quan đến vấn đề vật chất.
Rất khó để một vài cá nhân được hưởng những ưu tiên vượt trội so với tập thể. Nhỏ nhất là chế độ ăn, lớn hơn nữa là trang thiết bị, lịch trình tập huấn, thi đấu quốc tế... Mà ai cũng biết, một "gà nòi" không thể "đẻ trứng vàng" nếu chỉ duy trì mức dinh dưỡng 45.000 đồng/ngày như cả "bầy đàn". Một VĐV không thể phát huy tất cả tiềm năng nếu quanh năm chỉ cọ xát với những đối tượng vừa tầm hoặc thấp hơn. Bấy lâu nay, chúng ta hả hê với những giải đấu trong khu vực, mà quên mất rằng Đông Nam Á luôn là vùng trũng nhất trên bản đồ thể thao quốc tế.
Cũng nằm trong vùng trũng đó, nhưng Thái Lan luôn biết cách vượt trước chúng ta. Bóng đá thì khỏi nói. Trên đấu trường Olympic 2004, đất nước Chùa Vàng cũng có một vị thế đáng nể khi họ giành được tới 3 HCV và xếp thứ 25. Đó là nhờ sách lược đúng đắn và nhất quán: tập trung cho boxing và cử tạ nữ. Những người ưu tú nhất luôn được tạo những điều kiện thuận lợi nhất. Chi phí thường do các Liên đoàn bộ môn - nơi có những nguồn thu hết sức dồi dào chịu trách nhiệm. Đây chính là điểm khác biệt so với Việt Nam.
Ở nước ta, các Liên đoàn bộ môn thường không tự quyết được vấn đề tài chính. Bởi vậy, các chế độ dành cho VĐV thường phải tuân theo những tiêu chuẩn chung. Ngay trước Olympic Athens, phải khó khăn lắm, Quốc Huân và Văn Hùng mới được đi tập huấn Iran với mức chi phí 50USD/ngày. Vậy mà vẫn có những tiếng bấc tiếng chì. Các VĐV khác hầu như chỉ tập và tham gia các giải thi đấu trong nước. Bùi Thị Nhung, Đoàn Thị Cách đến gần sát ngày khai mạc mới biết mình chính thức được dự Olympic... Cho nên không thể trách các VĐV không mang được vinh quang về cho đất nước!
Gặp chúng tôi sau khi từ Hy Lạp trở về, ông Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh tỏ ra khá buồn, nhưng trong ánh mắt của ông, vẫn ngời sáng lên những tia hy vọng. Ông cho biết vẫn "nhắm" được trên dưới 10 gương mặt có khả năng tranh đua, và tranh đua tốt tại Bắc Kinh 2008...
Chỉ hiềm một nỗi, những ngôi sao của tương lai sẽ được thắp sáng bằng cách nào đây?
Theo VnNet