Những ngày này, bầu trời như trong hơn, xanh hơn và khắp nơi trên cả nước là một không khí tưng bừng náo nức kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Cách đây 63 năm, những người dân Việt Nam mà đứng đầu là Bác Hồ kính yêu đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những hình ảnh hào hùng ngày đó sẽ mãi còn đọng lại trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
|
Những thành công của ngành TDTT luôn gắn liền với hình ảnh
Bác Hồ kính yêu
|
Chỉ 4 tháng sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của Tổng cục TDTT ngày nay. Trong lịch sử nước nhà, chưa bao giờ việc rèn luyện thân thể của mỗi người dân lại được người đứng đầu một quốc gia quan tâm đến vậy. Trong bề bộn những công việc của một Nhà nước non trẻ, Đảng và Bác Hồ vẫn dành cho thể thao một vị trí quan trọng trong việc kiến thiết nước nhà.
Cuối tháng 3 năm 1946, Bác Hồ viết "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". Bác nhấn mạnh: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập"
Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập Nha Thể dục trung ương TDTT, viết "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục", đích thân phát động phong trào "Khỏe vì nước" phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.
Nhìn lại lịch sử, chỉ khi nước nhà giành được độc lập, người dân Việt Nam mới có cơ hội và điều kiện để rèn luyện thân thể, có cơ quan riêng để thực hiện điều này. Trước đó, thực dân Pháp cũng đưa vào Việt Nam một số môn thể thao nhưng chỉ là để dành cho một số ít những người giàu có và phục vụ cho chính những kẻ đang bóc lột người dân Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện theo lời dạy của Bác, các cán bộ trong ngành luôn luôn ý thức, thấm nhuần tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT, nguyện góp sức mình trong công cuộc phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà.
Thái Dương