Hưởng ứng tháng An toàn giao thông: Công chức, viên chức Tổng cục TDTT tích cực tham gia ATGT(25/09/2008)

Thực hiện Chỉ thị số 718/TTg ngày 1/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định "lấy tháng 9 hàng năm làm Tháng An toàn giao thông", trong "Tháng An toàn giao thông năm 2008" và các tháng cuối năm 2008, cán bộ công chức, viên chức Tổng cục TDTT đã và sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, tích cực tuyên truyền tới từng cán bộ trong Vụ, đơn vị về ATGT

Thực hiện Chỉ thị số 718/TTg ngày 1/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định "lấy tháng 9 hàng năm làm Tháng An toàn giao thông", trong "Tháng An toàn giao thông năm 2008" và các tháng cuối năm 2008, cán bộ công chức, viên chức Tổng cục TDTT đã và sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, tích cực tuyên truyền tới từng cán bộ trong Vụ, đơn vị về ATGT với chủ đề "Không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, khắc phục ùn tắc giao thông trong nhiều giờ, giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông so với tháng 8/2008".

Tìm hiểu về tình hình thực hiện Chỉ thị nêu trên, PV Trang tin TDTT Việt Nam đã ghi và tổng hợp lại rất nhiều ý kiến đánh giá, quan điểm về ATGT tại Việt Nam, thực trạng nhức nhối cũng như những giải pháp tích cực để hạn chế tối đa hành vi vi phạm giao thông trên toàn xã hội.

* Hệ thống cơ sở hạ tầng góp phần tích cực cho việc thực hiện ATGT

Hiện nay ở Việt Nam, cụ thể là tại Hà Nội đã và đang áp dụng việc cấm bán hàng rong và để xe trên vỉa hè ở một số tuyến phố. Việc làm này đã và đang gây nhiều tranh cãi nhưng dưới góc độ ATGT nó đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần làm cho đường thông, hè thoáng, giảm ách tắc giao thông tại các trục đường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính tạm thời và để vấn đề ATGT được giải quyết triệt để cần có nhiều biện pháp mang tính đồng bộ mà việc cải tiến hệ thống đường xá của Việt Nam là một yếu tố cấp bách.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trên đà phát triển, đời sống người dân có thu nhập chênh lệch đã dẫn tới phương tiện giao thông ở nước ta rất phức tạp, gồm nhiều loại xe: Xe đạp, xe máy, ôtô, xe 3 bánh, xe lam... cùng tham gia hoạt động trên mọi tuyến đường nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, điều kiện kinh tế không cho phép chúng ta phân luồng cụ thể hay xây dựng đường dành riêng cho mỗi loại  phương tiện đã dẫn tới tình trạng ATGT chưa được đảm bảo. 

Thực tế cho thấy, tại các giao lộ, chúng ta hầu như chưa xây dựng được cầu vượt, đường dành riêng cho người đi bộ, các chỗ quay đầu xe chưa phân định rõ ràng; các trạm xe buýt được xây dựng ngay trên các trục đường chính mà chưa có 1 làn đường cho xe buýt đi vào, dừng và đón khách (duy nhất có đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân là có đoạn dành riêng cho xe bus) đã tạo nên một tình trạng ách tắc khi tham gia giao thông. Đã vậy, hệ thống biển báo và chỉ đường của một số tuyến rất khó quan sát, việc cắm biển vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, thử nghiệm nên người điều khiển phương tiện đôi lúc gặp khó khăn trong việc định hình và có những tính toán, xử lý nhanh nhạy... Bởi vậy, để giảm tai nạn giao thông, thì nhất thiết hệ thống hạ tầng giao phải được nâng cấp.

* Ý thức của mỗi công dân đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu những tai nạn thương tâm 

 

Khi được hỏi, nhiều ý kiến cho rằng giáo dục ý thức công dân là điều cần thiết và đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu tai nạn thương tâm. Nhưng biện pháp cụ thể và thiết thực nhất là mỗi người hãy tự giáo dục chính bản thân mình, tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để thực hiện đúng những quy định về ATGT. Từ những kiến thức có được, chúng ta sẽ tuyên truyền cho người thân để họ hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với vấn đề này.

Nếu mỗi người trong chúng ta tôn trọng luật lệ giao thông, biết dừng xe đúng biển báo, nhường đường cho người đi bộ (ngay cả khi chúng ta được phép), không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, có nghĩa cử cao đẹp với người già, phụ nữ, những người tàn tật... có nghĩa chúng ta đã góp được một phần nhỏ đối với ATGT và việc xây dựng hình ảnh đẹp về con người đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một giải pháp rất khó thực hiện, bởi đối với những người có ý thức tự giác thì điều đó thật đơn giản nhưng với những người coi thường tính mạng của bản thân, của người khác, không chấp hành luật pháp... có lẽ cần đến một "chế tài" nghiêm ngặt mới mong hạn chế những hậu quả nghiêm trọng từ tai nạn giao thông.

Ngoài ra, những chiến dịch tuyên truyền rộng lớn giáo dục ý thức giao thông bằng những hình ảnh thương tâm của các nạn nhân qua các vụ tai nạn sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý người điều khiển xe. Chúng ta có thể treo những hình ảnh đó ở những nơi công cộng, tại các ngã 3, ngã 4 - nơi có đông người qua lại, nằm trong tầm nhìn của người điều khiển phương tiện...

* Cần nêu cao vai trò của các lực lượng quản lý, giám sát giao thông.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, cảnh sát giao thông thường chỉ đứng ở những điểm cố định, hạn chế di chuyển trên các trục đường; duy chỉ có lực lượng "cơ động" là thực hiện nhiệm vụ này, nhưng với số lượng còn hạn chế, việc vi phạm ATGT của người điều khiển phương tiện vẫn thường xuyên diễn ra. Ở Thái Lan hay Indonesia, cảnh sát giao thông đi tuần tra liên tục nên những người tham gia giao thông trên đường rất sợ bị phát hiện vi phạm luật giao thông. Vì vậy, việc cảnh sát giao thông tích cực đi tuần nên được áp dụng tại Việt Nam. Điều đó chắc chắn sẽ  làm giảm tỷ lệ tai nạn cũng như ùn tắc giao thông cục bộ.  

Một số ý kiến cho rằng, để giải quyết được vấn đề này cần trang bị phương tiện cho tất cả các lực lượng cảnh sát để tổ chức tuần tra kiểm soát trong phạm vi giao thông được phụ trách như bổ sung xe chuyên dụng, máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn trong hơi thở... điều này làm cho lực lượng cảnh sát trên các tuyến đường trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Đồng thời, đặt camera tại các chốt đèn xanh - đèn đỏ để ghi hình những trường hợp vi phạm và tiến hành sử phạt hành chính sau đó. 

Dưới đây là một số hình ảnh về ATGT và việc nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông của công chức, viên chức Tổng cục TDTT. 

 

 
Người dân tự ý thức về ATGT sẽ góp phần giảm tỷ lệ tai nạn
 
Cảnh sát thế này thì ... hiền quá
 
Cần chú ý tới biển báo giao thông sao cho dễ nhìn và đảm bảo mỹ quan
 
Dù rất bất tiện nhưng mũ bảo hiểm đã trở thành "vật bất lý thân" 
 
 Các đồng chí lãnh đạo nghiêm chỉnh chấp hành ATGT...
 
.. là những tấm gương tốt cho nhân viên
 
Trung tâm Thông tin TC TDTT đã hỗ trợ 150.000 đ/1 cán bộ trong việc mua mũ bảo hiểm kể từ khi có Quyết định của Nhà nước
 
"Chúng tôi thấy những chiếc mũ bảo hiểm thật tiện ích mà vẫn ... duyên dáng" 
Mọi công chức, viên chức Tổng cục TDTT nghiêm chỉnh cấp hành ATGT
 
 

 

Thiên Hà

Thực hiện ATGT là trách nhiệm của mỗi người dân

 

 

Ảnh trong bài
  • Hưởng ứng tháng An toàn giao thông: Công chức, viên chức Tổng cục TDTT tích cực tham gia ATGT(25/09/2008)