“Lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại Olympic là năm 1980, sau khi chính thức gia nhập và trở thành thành viên chính thức của tổ chức thể thao lớn nhất thế giới này. Một thời gian dài sau đó, ta không đạt được thành tích nào đáng kể. Những năm tháng ấy, thể thao thành tích cao của chúng ta chưa đạt trình độ để đoạt giải ở một đấu trường như Đại hội Olympic. Phong trào Olympic đã có bề dày hơn 100 năm, trong khi TTVN còn rất non trẻ. Olympic 2000 ở Sydney (Ôxtrâylia), lần đầu tiên chúng ta có 2 VĐV taekwondo là Nguyễn Xuân Mai và Trần Hiếu Ngân vượt qua vòng loại để vào thi đấu chính thức. Đó là một vinh dự và là một bước ngoặt lớn của TTVN” - Ông Hồng Minh vào chuyện.
- Tập trung tại Nhổn trong thời gian không lâu, liệu tinh thần và thể chất của các VĐV tham dự Athens đã được chuẩn bị kỹ càng, thưa ông ?
- Quá trình chuẩn bị cho Olympic của TTVN đã diễn ra từ rất lâu. 4 năm sau Olympic Sydney 2000, chúng ta đã tham dự một số sự kiện quan trọng khác như SEA Games 21 ở Kuala Lumpur, Asiad 14 tại Busan và đặc biệt là SEA Games 22 tại Việt Nam. Ba sự kiện lớn ấy diễn ra liên tiếp trong 3 năm - 3 năm bản lề, 3 năm nằm giữa 2 kỳ Olympic. Sự chuẩn bị cho các VĐV tham dự Olympic Athens đã nằm trong quá trình chuẩn bị chung của ba sự kiện thể thao đó. Trong suốt thời kỳ này, TTVN đã cố gắng tìm kiếm những VĐV xuất sắc nhất, có khả năng vượt qua vòng loại. Olympic Athens 2004 này, lần đầu tiên Việt Nam có tới 6 VĐV vượt qua vòng loại ở các môn bóng bàn (1 VĐV), taekwondo (2 VĐV), rowing (2 VĐV), cử tạ (1 VĐV).
Đầu năm 2004, các VĐV xuất sắc nhất chuẩn bị cho Athens cũng như các VĐV khác chuẩn bị cho SEA Games 23 đã lên Trung tâm HLTTQG I (Nhổn) để tập luyện. Tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã ký quyết định tập trung VĐV để quản lý và đào tạo tốt hơn, sau đó đưa họ đi tập huấn ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. Như taekwondo đi Hàn Quốc, Iran; đua thuyền, cử tạ, bơi lội ở Trung Quốc; bắn súng ở Đức…
- Ông đánh giá như thế nào về trình độ thể thao Việt Nam hiện nay ?
- Thời gian qua, chúng ta đã giành được hơn 150 tấm HCV Đông Nam á, 4 tấm HCV châu Á (taekwondo, nhảy cao, bắn súng…). Song vẫn chỉ có 6 VĐV vượt qua vòng loại để thi đấu Olympic. Có thể thấy, trình độ so với thế giới còn cách biệt.
- Mục tiêu trong tương lai gần của thể thao đỉnh cao Việt Nam là gì ?
- Bây giờ chúng ta đã và đang chuẩn bị cho năm 2005, nhưng trong quá trình chuẩn bị, chúng ta sẽ đào tạo và tuyển chọn từ 25 đến 30 VĐV có khả năng có mặt ở Asiad Quatar 2006 và đạt thành tích khả quan tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Năm 2006 sẽ như một đợt tổng duyệt để xem họ thi đấu như thế nào. Tôi tin rằng, đến Bắc Kinh 2008, chúng ta chắc chắn sẽ có vài tấm HCV. Đó là sự nỗ lực hết mình của cả nền TTVN. Đấy là những việc quan trọng nhất. Thắng thua tại Đông Nam á không quan trọng bằng việc chúng ta sẽ có vài chục VĐV đoạt huy chương ở các giải vô địch châu á, vượt qua vòng loại và đến tham dự Olympic. Chúng ta không thể chỉ hài lòng khi đứng ở vị trí một trong ba nước Đông Nam á, vì trên bản đồ thể thao thế giới, trình độ của Đông Nam á đang ở những bậc thấp.
Giành được huy chương tại Olympic không còn là ước mơ hay chỉ là một cơ may nữa, mà thực tế đã trở thành hiện thực. Chúng ta sẽ mở rộng và phát triển thành tích, nhất là ở những môn có nhiều cơ hội như wushu, taekwondo, karate, đua thuyền rowing, canoeing, kiếm…
- Xin cảm ơn ông. (Theo Hà Nội Mới)