Báo cáo Đề án “Chương trình đào tạo VĐV Asiad 18 năm 2019”

Chiều 2/8, lãnh đạo Vụ TTTTC đã có buổi báo cáo khái quát nội dung cũng như tiến độ xây dựng dự thảo Đề án “Chương trình đào tạo VĐV Asiad 18 năm 2019” trước Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải. Cùng dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành, Vụ trưởng Vụ TTTTC Trần Đức Phấn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ TTTTC Nguyễn Ngọc Anh cho biết: để xây dựng dự thảo Đề án “Chương trình đào tạo VĐV Asiad 18 năm 2019” sát với thực tế, Tổng cục TDTT đã khảo sát toàn bộ 63 tỉnh thành và hiện nay số liệu VĐV đã có đủ. Thời gian dự kiến hoàn thành dự thảo trước 15/8 và 15/9 sẽ trình Bộ VHTTDL phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, trọng tâm chính của Đề án được tập trung vào nội dung "Tuyển chọn tài năng thể thao giai đoạn 2013 – 2019", trong đó xác định rõ mục tiêu là phấn đấu tốp 10 - 14 tại Asiad 18, có HCV tại Olympic 2020 và là tiền đề cho các Olympic về sau...

Đề án sẽ quy hoạch phát triển lực lượng VĐV, các môn thể thao chia thành các nhóm ưu tiên, các trung tâm, vùng miền (đào tạo môn gì, nội dung gì, ở đâu). Hệ thống phương thức đào tạo, tuyển chọn sẽ được xây dựng theo một quy trình chuẩn. Chọn lựa những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ đi đôi với việc nâng cấp hệ thống CSVC (theo chuẩn Olympic) là điều cần thiết. Ngoài ra, việc xây dựng lại hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu cũng là một trong những đề xuất quan trọng…

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh:Y.Trang)

Sau khi kết thúc Olympic 2016, Đề án sẽ đánh giá sơ kết lần một. Từ đó, tập trung khoanh vùng đào tạo môn thể thao, nội dung thể thao, xác định số lượng VĐV, lứa tuổi được đào tạo dựa trên năm tiêu chí: Tính hệ thống; Tính đồng bộ; Tính khoa học; Tính khả thi và Tính đột phá.

Phát  biểu tại buổi làm việc, trên tinh thần ủng hộ nội dung dự thảo Đề án, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh rõ mục tiêu chính của Đề án là đào tạo VĐV cho Asiad 18, Olympic 2020 do vậy cần quy hoạch rõ ràng các môn thể thao, nội dung đào tạo, số lượng VĐV ở trung tâm nào, tỉnh thành nào, hệ thống đào tạo VĐV có bao nhiêu loại, hiệu quả như thế nào...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị ban soạn thảo Đề án cần xây dựng bám sát thực tế, tập trung nguồn lực vào những mặt trọng điểm, tránh sự dàn trải, tích kiệm nguồn kinh phí đầu tư. Đề án cần chú trọng chính sách đặc thù cho VĐV trọng điểm, tạo được tính đột phá mới và đặc biệt phải thu hút được thêm nhiều nguồn lực từ xã hội.

MK

Ảnh trong bài
  • Báo cáo Đề án “Chương trình đào tạo VĐV Asiad 18 năm 2019”