Hoàn tất công tác y tế phục vụ SEA Games 22 (11:06 19/07/2004)

Ngày 18/11/2003, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định phân bổ số thuốc và trang thiết bị trị giá 8 tỷ đồng cho 100 cơ sở y tế có tổ cấp cứu tham gia phục vụ SEA Games 22.

Ngày 18/11/2003, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định phân bổ số thuốc và trang thiết bị trị giá 8 tỷ đồng cho 100 cơ sở y tế có tổ cấp cứu tham gia phục vụ SEA Games 22. Theo đó, người đứng đầu các cơ sở này phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn dược phẩm và trang thiết bị nói trên

Đến nay Tiểu ban y tế và kiểm tra Doping đã mua đầy đủ thuốc và trang thiết bị để cung cấp cho khoảng 100 tổ cấp cứu tại các điểm thi đấu và các khách sạn có vận động viên và quan khách lưu trú. Thạc sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban cho biết 3 tỷ đồng dành mua thuốc chữa bệnh, nẹp, băng gạc... Ngoài ra, tổng chi phí dành cho trang thiết bị là 5 tỷ đồng để mua những thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực như máy X-quang di động, nẹp tự khô, máy thở, máy trợ tim, các thiết bị theo dõi tuần hoàn... cho 100 đội cấp cứu cơ động trên cả nước. Những trang thiết bị này được bố trí tại cơ sở trực cấp cứu hoặc trên các xe lưu động. Đặc biệt, 3 xe cấp cứu lưu động, trị giá mỗi xe 1 tỷ đồng, thuộc loại hiện đại nhất hiện nay sẽ được đưa vào sử dụng tại SEA Games.

Thạc sĩ Khuê khẳng định, với các trang thiết bị hiện đại và đầy đủ như vậy, đa phần các tình huống sẽ được cấp cứu tại chỗ, các trường hợp bệnh nặng có thể thực hiện cấp cứu ngay trên xe chuyên dụng trong quá trình chuyển tới bệnh viện chuyên khoa. Hơn 20 bệnh viện trên toàn quốc được huy động tham gia phục vụ SEA Games có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu người bệnh khi có lệnh điều động. Bên cạnh đó, các bác sĩ thuộc 100 tổ cấp cứu được hướng dẫn sử dụng hiệu quả các loại dược phẩm này trong nhiều đợt tập huấn vừa qua.

Bộ Y tế đã lập một Hội đồng Tư vấn Dược, do GS Phạm Gia Khải, Viện trưởng Viện Tim mạch Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương khu vực phía Bắc, làm Chủ tịch. Thành viên của hội đồng gồm nhiều GS đầu ngành về hồi sức cấp cứu và chấn thương như GS Vũ Văn Đính, GS Đỗ Kim Sơn, và nhiều chuyên gia cao cấp như GS Hoàng Thị Kim Huyền, PGS.TS Phương Đình Thu... để lựa chọn dược phẩm phù hợp, tránh các loại thuốc chứa chất doping trong trường hợp vận động viên phải sử dụng thuốc. Hội đồng đã thành lập danh mục gần 200 loại gồm thuốc giảm đau, chống độc, chống viêm, chống dị ứng, thuốc tim mạch... Trong thời gian diễn ra SEA Games 22 và PARA Games 2, các thành viên của hội đồng sẽ không đi công tác nước ngoài, thường xuyên túc trực tại Ban tổ chức để chỉ đạo chuyên môn, tham gia hội chẩn nếu cần.
Thạc sĩ Lương Ngọc Khuê khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để các đoàn nước ngoài được đem theo thuốc men và trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, bác sĩ của các đoàn phải chịu trách nhiệm về các loại thuốc mà vận động viên đoàn nước đó sử dụng (trong trường hợp dùng phải thuốc có các chất doping). Nếu các đoàn có yêu cầu và được sự chấp thuận của ban tổ chức, hội đồng cũng sẵn sàng tham gia tư vấn, giúp đỡ để đoàn bạn dùng thuốc hợp lý.

Dự kiến ngày 24/11, buổi tập huấn cuối cùng cho hơn 1.000 nhân viên y tế phục vụ SEA Games sẽ được tổ chức tại Hà Nội.


NetNam - PV





 

Ảnh trong bài
  • Hoàn tất công tác y tế phục vụ SEA Games 22 (11:06 19/07/2004)