(VietNamNet) - Sáng 22/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái ký kết một văn bản quan trọng: "Tuyên bố Copenhagen về Chống sử dụng chất kích thích trong thể thao".
Buổi lễ ký kết diễn ra tại trụ sở Uỷ ban TDTT (36, Trần Phú - Hà Nội) và như vậy, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ 106 ký kết "Tuyên bố Copenhagen”. Với việc ký kết này, Việt Nam công nhận rằng tổ chức WADA (Tổ chức thế giới chống chất kích thích) và Bộ luật thế giới về chống chất kích thích sẽ là cơ sở chung để đạt tới nền thể thao không có chất kích thích.
Mục đích của WADA là phát triển các thủ tục hài hoà, các qui phạm, các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác nhằm đấu tranh chống sử dụng chất kích thích trong thể thao và góp phần vào sự đoàn kết, đồng thời quan tâm đến quyền lợi của các VĐV. Hơn nữa, WADA có trách nhiệm cập nhật và điều chỉnh danh mục các chất và các biện pháp bị cấm sử dụng trong hoạt động thể thao.
Đây là một bước tiến quan trọng của thể thao Việt Nam trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng thuốc sai mục đích trong thể thao. Các tổ chức thể thao và các Chính phủ sẽ đoàn kết thông qua WADA, và chính sự hợp tác này sẽ mang lại sức mạnh và độ tin cậy cho WADA.
Tại SEA Games 22, bên cạnh thành công rực rỡ, thể thao Việt Nam đã có một nỗi buồn không nhỏ khi trong số 5 VĐV bị phát hiện sử dụng doping thì có đến 4 VĐV của nước chủ nhà. Đó là Phạm Thị Dịu (lặn, 2 HCV), Phạm Toàn Thắng (lặn, 3 HCV), Hoàng Hồng Anh (canoeing, 2 HCV) và Nguyễn Mai Quỳnh (điền kinh, nhảy 3 bước, HCB).
TT