Hội thảo do ông Phạm Văn Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và ông Phạm Ngọc Viễn – Phó chủ tịch, phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chủ trì. Tham dự Hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ nội vụ và các chuyên gia hàng đầu về Bóng đá Việt Nam.
“Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được xem như chìa khoá để đưa Bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Với mục tiêu của chiến lược đặt ra là nâng cao và cải thiện thành tích của đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam cụ thể là: cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế và đạt thành tích cao tại một số giải đấu mang tầm khu vực, châu lục…Về Bóng đá phong trào, chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đặt ra những mục tiêu rất cụ thể như: đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 4. 500 CLB, năm 2020 có 7.500 CLB. Và 100% các CLB có hệ thống sân thi đấu, sân tập, nhà phụ trợ và các công trình phục vụ đào tạo VĐV…
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn điều hành Hội nghị
(Ảnh: Q Trọng ) |
Riêng đối với VĐV trẻ mục tiêu của Đề án hướng đến năm 2030 số lượng VĐV trẻ sẽ đạt 6.000 người, trong đó 1.000 VĐV được đào tạo tại các học viện Bóng đá, trung tâm đào tạo trẻ. Phấn đấu số lượng VĐV trẻ từ lứa tuổi U11 – U18 có năng khiếu tốt được đào tạo tập trung tính trung bình hàng năm: từ năm 2011 – 2015 là 4.000 VĐV; từ năm 2016 – 2020 là 4.500 VĐV. Số lượng VĐV trẻ từ 14 – 18 tuổi tập trung ở tuyến trung ương dưới sự huấn luyện của chuyên gia nước ngoài khoảng 400 VĐV mỗi năm; số lượng VĐV trẻ tập huấn ở nước ngoài hàng năm tăng từ 24 – 48 VĐV.
Để hoàn thành được những mục tiêu trên, Dự thảo Đề án đã đặt ra 7 nhiệm vụ cơ bản cần thực hiện, đó là: nâng cao chất lượng các đội tuyển Bóng đá quốc gia (nam, nữ); Phát triển Bóng đá Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp; Nâng cao chất lượng giải Bóng đá vô địch quốc gia và các giải khác trong hệ thống thi đấu quốc gia; Quy hoạch đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV Bóng đá trẻ; Phát triển Bóng đá phong trào; Nâng cao trình độ nguồn nhân lực các cán bộ, HLV trong lĩnh vực Bóng đá; Phát triển mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, tổ chức thi đấu các giải Bóng đá thành tích cao và Bóng đá phong trào.
Đồng thời, Dự thảo Đề án cũng đưa ra 5 giải pháp thực hiện là: Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về Bóng đá; Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển Bóng đá trong môi trường chuyên nghiệp; Kiên quyết trong việc chống lại các tiêu cực trong Bóng đá; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu Bóng đá; Tăng cường hoạt động hợp tác, hội nhập với Bóng đá quốc tế; Tăng cường nguồn tài chính từ việc huy động các tổ chức xã hội…
Về cơ bản, các thành viên trong Hội nghị đều tán thành với những nội dung của Dự thảo Đề án. Tuy nhiên, theo GS. Dương Nghiệp Chí, Dự thảo Đề án cần làm rõ vai trò và trách nhiệm của từng đối tượng trong việc quản lý Bóng đá Việt Nam để từ đó giúp cho công tác quản lý Bóng đá đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, Dự thảo Đề án cần đề cao hơn nữa về việc phát triển Bóng đá phong trào, bởi đó là cơ sở vững chắc để phát triển mọi nền Bóng đá.
Hội nghị đã diễn ra thành công và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, bổ ích và có giá trị đối với Dự thảo “Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Hy vọng với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực Bóng đá, Bóng đá Việt Nam trong tương lai sẽ có những bước đột phá và những hướng đi mới.
Kết thúc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn đã đề nghị Ban dự thảo "Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia để từ đó bổ sung, điều chỉnh lại dự thảo lần cuối cho thật hoàn chỉnh trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
N. H