Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) gồm 12 chương và 147 điều, trong đó có 02 điều liên quan đến thể dục, thể thao gồm Điều 41 và Điều 43 trong chương III về văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ. Điều 41 Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh: “Nhà nước và xã hội phát triển nền thể dục, thể thao dân tộc, khoa học và nhân dân.”.
Thực tiễn quá trình thể chế hoá quy định trên của Hiến pháp năm 1992 thời gian qua cho thấy Nhà nước ta định hướng phát triển mạnh sự nghiệp thể dục, thể thao nhưng phải bảo đảm tính dân tộc, khoa học và nhân dân.
Đảm bảo tính dân tộc cần chú ý một số vấn đề sau:
Nội dung, hình thức tổ chức hoạt động TDTT phải mang bản sắc dân tộc, vì mục đích và lợi ích của dân tộc, phải phù hợp với tâm lý, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống của từng địa phương.
Quan tâm khai thác và phát triển các trò chơi, các môn thể thao dân tộc, các hình thức và phương pháp dưỡng sinh cổ truyền của dân tộc, các truyền thống văn hoá tốt đẹp, hạn chế và xoá bỏ các tập quán lạc hậu.
Định hướng nói trên là một phần quan trọng trong định hướng bảo tồn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thể chế hoá quan điểm nói trên, Luật thể dục, thể thao, các văn bản, đề án, chương trình có liên quan đã quy định nhiều nội dung về đảm bảo tính dân tộc trong phát triển TDTT. Điều 4 Luật TDTT xác định: Phát triển sự nghiệp TDTT nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc người Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân.
Điều 17, Luật TDTT thể hiện rõ nét chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số; đồng thời quy định rõ trách nhiệm trong việc phổ biến các môn thể thao dân tộc ra nước ngoài. Ngoài ra, việc thể chế tính dân tộc trong phát triển sự nghiệp TDTT còn được cụ thể hoá trong nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội nói chung như: Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chiến lược quốc gia về chính sách dân tộc…đặc biệt là Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Thực tiễn triển khai công tác TDTT cho thấy bản sắc dân tộc, lợi ích dân tộc luôn được giữ gìn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có thể dục thể thao như: hệ thống thi đấu thể thao quốc gia phù hợp với hệ thống thi đấu quốc tế; xu hướng, lộ trình chuyên nghiệp hoá một số môn thể thao không thể tách rời xu thế chung; các yếu tố về kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực TDTT phải bảo đảm cam kết khi chúng ta ra nhập WTO…Tuy nhiên mục tiêu chung của hoạt động TDTT vẫn là phục vụ nhu cầu nâng cao sức khoẻ và đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội
Đảm bảo tính khoa học đòi hỏi cần
Kế thừa có chọn lọc các tri thức về TDTT của nhân loại. Kết hợp những thành tựu hiện đại với truyền thống của dân tộc.
Bảo đảm mọi nội dung, biện pháp tổ chức quản lý và phương pháp tập luyện TDTT của quần chúng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước trong từng thời kỳ. Công tác huấn luyện, đào tạo VĐV phải phù hợp với các quy luật về sinh lý, tâm lý và xã hội của con người.
Đây chính là tư tưởng, quan điểm xuyên suốt trong các văn bản Luật, văn bản dưới Luật về thể dục thể thao, trong chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động TDTT và trong thực thi các hoạt động tác nghiệp cụ thể về TDTT thời gian qua. Nhờ vậy, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Thể thao Việt Nam đã và đang phát huy được truyền thống, cũng như khẳng định được vị thế của mình trong khu vực, châu lục và thế giới.
Đảm bảo tính nhân dân
Phát triển TDTT rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, mọi địa bàn dân cư. Làm cho việc rèn luyện thân thể trở thành nhu cầu, thói quen hàng ngày của đông đảo nhân dân.
Làm cho mọi người dân đều có cơ hội tham gia tập luyện và hưởng thụ những giá trị nhân văn của TDTT đồng thời phát huy vai trò chủ động và sáng tạo của cá nhân trong việc tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động TDTT cũng như góp phần phát triển sự nghịêp TDTT của nước ta.
Đây là định hướng được thể chế hoá sâu sắc trong Luật thể dục, thể thao và các văn bản, chương trình, đề án có liên quan. Điều 11 Luật TDTT quy định mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ…đều được thực hiện quyền hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, vui chơi, giải trí. Điều 12 Luật TDTT thể hiện rõ việc Nhà nước phát động phong trào TDTT quần chúng nhằm động viên, khuyến khích mọi người tham gia tập luyện thể dục…hình thành thói quen rèn luyện thân thể cho mọi người.
Với mục tiêu đảm bảo tính nhân dân trong phát triển sự nghiệp TDTT và xác định mục tiêu này chỉ đạt được khi phong trào TDTT ở cơ sở, ở xã, phường, thị trấn phát triển mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg về phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Việc triển khai Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mặc dù còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để triển khai tốt ở các giai đoạn tiếp theo.
Có thể khẳng định, tính dân tộc, khoa học và nhân dân trong phát triển nền thể dục, thể thao theo quy định của Hiến pháp năm 1992 đã được thể chế hoá sâu sắc trong các văn bản Luật và dưới Luật, trong thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức quản lý hoạt động TDTT và bước đầu đem lại kết quả nhất định, góp phần bảo đảm định hướng của Nhà nước về công tác thể dục, thể thao nói riêng và về phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Mặc dù vậy, trong quá trình thể chế hoá quan điểm nói trên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được đánh giá, rút kinh nghiệm như: tính dân tộc trong từng hoạt động thể thao cụ thể cần được tiếp tục phát huy, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho vận động viên, huấn luyên viên; việc đầu tư phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thể dục thể thao cần được tăng cường; bảo vệ quyền hoạt động thể dục thể thao cho nông dân, người lao động nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…Nghĩa là các quy định này trong Hiến pháp năm 1992 cần được tiếp tục kế thừa và phát huy trong thời gian tới./.
Lê Thanh Liêm- Pháp chế Tổng cục TDTT