Đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo việc thể chế hoá các quy định của Hiến pháp 1992 liên quan đến Thể dục, Thể thao

Sáng nay (22/11), tại Trụ sở Tổng cục TDTT đã diễn ra cuộc họp đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo việc thể chế hoá các quy định của Hiến pháp 1992 liên quan đến thể dục, thể thao. Buổi họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT, các chuyên gia và các nhà quản lý trong lĩnh vực TD,TT.

Toàn cảnh buổi họp (Ảnh: Văn Duy)

Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã được nghe dự thảo báo cáo tổng kết việc thể chế hoá các quy định của Hiếp pháp năm 1992 liên quan đến thể dục, thể thao. Hiến pháp năm 1992 gồm 12 chương và 147 điều, trong đó có 2 điều liên quan đến thể dục, thể thao đó là điều 41 và điều 43. Căn cứ vào những điều của Hiến pháp năm 1992, ngành TDTT đã thể chế hoá từng nội dung của hiến pháp để tổ chức triển khai trong thực tiễn, đảm bảo đúng định hướng phát triển Nhà nước về công tác thể dục, thể thao.

Nền thể dục, thể thao Việt Nam trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đó là phát triển thể dục, thể thao theo định hướng đảm bảo tính dân tộc, tính khoa học và tính nhân dân. Chính vì vậy, các nội dung, hình thức tổ chức hoạt động TDTT luôn mang bản sắc dân tộc, vì mục đích và lợi ích dân tộc, phù hợp với tâm lý, tập quán và điều kiện kinh tế xã hội cũng như truyền thống của từng địa phương. Bên cạnh đó, ngành TDTT luôn kế thừa có chọn lọc các tri thức khoa học về TDTT của nhân loại, ứng dụng và sáng tạo cho phù hợp với truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, phát triển TDTT rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi đối tượng, lứa tuổi... đã góp phần đưa phong trào TDTT trong nhân dân chuyển từ tự phát thành tự giác và trở thành một thói quen hàng ngày không thể thiếu của đông đảo nhân dân.

Bởi vậy, có thể khẳng định, các quy định của Hiếp pháp năm 1992 về công tác TDTT đã được thể chế hoá tương đối cụ thể trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, trong các chương trình, đề án, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, trong đó Bộ VH,TT&DL đóng vai trò là nòng cốt. Quá trình thực thi các quy định của Hiếp pháp năm 1992 đã và đang cho thấy sự phù hợp của các nguyên tắc hiến định đối với hoạt động TDTT trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc thể chế hoá các quy định của Hiếp pháp năm 1992 đòi hỏi phải có sự linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước. Luật TDTT được Quốc hội ban hành năm 2006 là văn bản quan trọng, gần nhất trong việc thể chế hoá các quy định của Hiếp pháp. Trong quá trình thực thi, Luật TDTT đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về các vấn đề: quản lý hoạt động TDTT quần chúng; phát triển Thể thao chuyên nghiệp; chế độ chính sách đối với VĐV, HLV thể thao; và bất cập trong quản lý, định hướng phát triển đối với các tổ chức xã hội về thể thao và các cơ sở thể thao...

Các đại biểu tham dự cuộc họp đều cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo nêu trên, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, ngoài vài trò quản lý của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển TD,TT cần thiết phải bổ sung vào điều 41 của Hiếp pháp đó là vai trò của các tổ chức xã hội (các liên đoàn, hiệp hội thể thao) có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, báo cáo cần phải rà soát lại từng câu, từng chữ sao cho thật sâu sắc và nêu bật được những bất cập, để từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị cho phù hợp.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục TDTT, ông Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng đã cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên tham dự. "Những ý kiến đóng góp quý báu tại buổi họp hôm nay đều xuất phát từ những trăn trở về thể chế trong lĩnh vực TD,TT , chúng tôi sẽ tổng hợp, nghiên cứu và chỉnh sửa" - ông Vũ Trọng Lợi nhấn mạnh.

VD

Ảnh trong bài
  • Đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo việc thể chế hoá các quy định của Hiến pháp 1992 liên quan đến Thể dục, Thể thao