Nâng cao công tác đào tạo tại các trường trực thuộc Bộ

Ngày 23/6, tại trụ sở Bộ VH,TT&DL Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chủ trì buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ với Vụ Đào tạo về tổng thể tình hình công tác đào tạo của các trường trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Tham dự buổi làm việc về phía Tổng cục TDTT có ông Lê Quý Phượng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị liên quan.

Tại buổi làm việc, ông Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo đã báo cáo trước lãnh đạo Bộ về công tác đào tạo tại các trường trực thuộc Bộ VH,TT&DL trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh: Công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch trong các trường ngày càng được tăng cường, củng cố và đi vào nền nếp. Bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, Bộ VH,TT&DL qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực VH,TT&DL, các trường đã chủ động triển khai mọi hoạt động công tác, thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Nhờ đó, chất lượng đào tạo các trường ngày càng khẳng định góp phần làm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của ngành ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, quy mô ngành nghề cơ cấu đào tạo ngày càng tăng.

Hiện nay, có 33 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc Bộ VH,TT&DL cụ thể: văn hóa nghệ thuật có 16 cơ sở đào tạo, trong đó có 9 trường Đại học, 4 trường Cao đẳng, 2 trường Trung cấp và 1 viện nghiên cứu có đào tạo NCS (Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam); Thể dục thể thao có 4 cơ sở đào tạo trong đó có 3 trường Đại học, 1 viện nghiên cứu có đào tạo NCS (Viện khoa học TDTT); Du lịch có 8 cơ sở đào tạo trong đó có 5 trường Cao đẳng và 3 trường Trung cấp; Ngoài ra, có trường bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch và 4 trung tâm huấn luyện thể dục thể thao. Các cơ sở đào tạo này hầu hết đều được trải đều ở cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Y Trang)

Trong những năm qua, các cơ sở đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng trực thuộc Bộ VH,TT&DL đã được nâng cấp; cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, từng bước đổi mới, hiện đại hóa. Nhiều cơ sở được xây dựng, mở rộng tương đối khang trang. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thí nghiệm và thực hành từng bước hiện đại hóa. Hệ thống phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành như sân khấu thực nghiệm, nhà thi đấu, bãi tập, trung tâm thực hành, khách sạn trường... cũng đã được đầu tư tương đối hiện đại, đồng bộ.

Chương trình, giáo dục và phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới, từ năm 2007 đến nay, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng được 49 chương trình khung giáo dục đại học khối chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, trong đó có 30 chương trình khung khối ngành văn hóa, nghệ thuật đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Các chương trình khung được xây dựng có kết cấu mềm dẻo, vừa đảm bảo sự thống nhất về mặt trình độ chung của cả nước, phát huy được tính chủ động của từng trường, phù hợp với đặc thù của từng vùng miền đảm bảo tính chất tiên tiến, hiện đại của nội dung và trình độ đào tạo. Khối du lịch có 30 chương trình, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đều mang tính liên thông cao, phù hợp với đặc thù đào tạo năng khiếu. CNTT từng bước được sử dụng trong đào tạo nhân lực, một số chuyên ngành đã tiếp cận và hội nhập trình độ quốc tế.

Đội ngũ giảng viên liên tục tăng về số lượng và trình độ từng bước được nâng lên. Nhân lực của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH,TT&DL có 9.196 người, gồm 494 cán bộ quản lý, 464 nhân viên phục vụ công tác đào tạo, 3.113 giảng viên Đại học, Cao đẳng, giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, 2.500 đào tạo viên du lịch và 2.626 HLV thể thao các cấp. Trong số 3.112 giảng viên, giáo viên có 1.811 giảng viên, giáo viên biên chế, 614 hợp đồng và 687 giảng viên, giáo viên thỉnh giảng. Tỷ lệ giảng viên, giáo viên có trình độ Đại học, Thạc sĩ  trở lên chiếm 26,49% tổng số giáo viên, giảng viên thống kê được, trong đó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 4,6%. Hầu hết các giảng viên, giáo viên đều biết ngoại ngữ và tin học để nghiên cứu giảng dạy. Hiện nay, trong cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH,TT&DL có 06 giáo sư, 42 Phó giáo sư, 4 nghệ sĩ nhân dân, 44 nghệ sĩ ưu tú, 4 nhà giáo nhân dân, 55 nhà giáo ưu tú, 5 chuyên gia và 1 nghệ nhân tham gia giảng dạy.

Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã đánh giá cao nội dung của bản báo cáo này điều đó cho thấy rõ sự lao động miệt mài, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, chuyên viên của Vụ; Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu về thực trạng đào tạo tại các trường trực thuộc Bộ cần được phản ánh sâu hơn nữa, bám sát tình hình thực tế. Trong thời gian tới Vụ đào tạo tiếp tục xây dựng thêm các chính sách mới phục vụ cho ngành để trình Chính phủ. Các Đề án đã được Chính phủ phê duyệt cần được triển khai và thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả ứng dụng từ các Đề án.

N. Hương       

Ảnh trong bài
  • Nâng cao công tác đào tạo tại các trường trực thuộc Bộ