Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 nhận được nhiều ý kiến đóng góp

Hội thảo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 được tổ chức trong 2 ngày 5,6/5, tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, những người làm công tác TDTT từ trung ương tới địa phương. Những quyết sách được đưa ra tại Hội thảo lần này sẽ là tiền đề cho sự phát triển của TDTT Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC 1, Uỷ ban TDTT cho rằng việc xây dựng quy hoạch cần xác định đúng vấn đề (Ảnh: NPV)
Ông Nguyễn Hồng Minh - Uỷ ban Olympic Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 cho rằng: Đây là Hội nghị có tính chất chuyên đề của một ngành lần đầu tiên được tổ chức, bởi vậy là cơ hội để ngành TDTT xem xét mọi vấn đề.  Với cương vị là những người lính trên mặt trận này, tôi cho rằng trước hết việc đánh giá quy hoạch phải nhìn thật đúng, thật trúng vấn đề cần thảo luận. Đơn cử như việc đưa ra mục tiêu phát triển Thể thao thành tích cao trong dự thảo quy hoạch là chưa sát với thực tế (giai đoạn 2021 -2030 trung bình mỗi năm trên cả nước đào tạo gần 60.000 VĐV năng khiếu), trong khi đó, thực trạng cho thấy trong khoảng 3 đến 5 năm nữa chúng ta không có VĐV đỉnh cao, lực lượng này đang thiếu hụt trầm trọng và công tác đào tạo VĐV là vô cùng khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị Tổng cục TDTT cần có sự khảo sát, thống kê đầy đủ, chi tiết thực trạng TDTT tại từng địa phương, từ đó có hoạch định cho sự phát triển của ngành trong 10-15 năm. Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến của các chuyên gia, lúc đó mới xác định được vấn đề một cách chi tiết. Nghĩa là chúng ta phải đánh giá chính xác vấn đề và dự báo vấn đề trên cơ sở những tồn tại, yếu kém, có như vậy chúng ta mới đi đúng lộ trình. Để đảm bảo cho thể thao Việt Nam phát triển, Bộ VH,TT&DL cần sớm có sự phân cấp, phân quyền cho ngành TDTT trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Ông Đoàn Thao - Nguyên Phó CN Uỷ ban TDTT bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên TTVN có một chiến lược (Ảnh: NPV)
Ông Đoàn Thao - nguyên Phó Chủ nhiệm UBTDTT, Chủ tịch Liên đoàn Võ Thuật Việt Nam bày tỏ: Chiến lược TDTT Việt Nam đến năm 2020 cùng với Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác TDTT. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn để những người làm công tác TDTT phấn đấu, cống hiến hết mình cho mục tiêu dân cường nước thịnh. "Tôi cho rằng, chiến lược đã chỉ ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tuy nhiên chúng ta cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước cho sự phát triển của ngành TDTT. Có như vậy, TDTT Việt Nam mới có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp...

Ông Nguyễn Đình Lân  - PGĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng quy hoạh phát triển TDTT cần chú ý tới vấn đề kinh tế thể thao (Ảnh: NPV)
Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội: Việc thực hiện triển khai Chiến lược cần phải gắn liền với quan điểm của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, chúng ta phải chú ý tới vấn đề phát triển kinh tế thể thao (một trong những vấn đề từ trước tới nay ít được đề cập đến), trong đó vấn đề xã hội hoá thể thao là cần thiết. Đây sẽ là điều kiện thúc đẩy thể thao Việt Nam phát triển.

Ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định: quy hoạch cần đảm bảo các điều kiện thực hiện, nhất là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của ngànhTDTT(Ảnh: NPV)
Ông Đỗ Thanh Xuân - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định: số liệu trong quy hoạch mang tính định lượng, chưa rõ ràng, cụ thể. Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược đã có, tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là  việc ban hành các văn bản về cơ chế chính sách của ngành TDTT (đây là điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện Chiến lược này) còn chậm chạp, gây cản trở cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là ở các địa phương...

Ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Chúng ta chú ý tới các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện được các quan điểm, mục tiêu nêu trong chiến lược. Từ đó, xác định rõ nguồn vốn đầu tư của nhà nước đối với lĩnh vực TDTT (đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất hay nguồn nhân lực?). Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn nhân lực hiện nay của ngành còn nhiều vướng mắc, do vậy cần phải sớm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương và chuyển giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Riêng đối với công tác đào tạo trẻ, việc quy hoạch các môn trọng điểm là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thể thao thế giới. Tuy nhiên cần xác định rõ việc đầu tư như thế nào cho các trung tâm quốc gia, các đội tuyển quốc gia...

Trên đây là một vài ý kiến được trình bày tại Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm  2020 khu vực I, chắc chắn ngành TDTT sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích tại Hội thảo khu vực II được tổ chức vào ngày 9,10/5 tại TP Hồ Chí Minh.

NPV Trang tin TDTT ghi

Ảnh trong bài
  • Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 nhận được nhiều ý kiến đóng góp