Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, xây dựng lối sống, nề lối làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân. Thực tiễn ở các cấp, các ngành, các địa phương công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức đã được quan tâm triển khai và bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù vậy trong quản lý xã hội, trong quản lý nhà nước và trong thực thi công việc của cán bộ, công chức, viên chức vẫn xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, tình trạng phạm tội không giảm, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được bảo đảm, chưa sát hợp với đối tượng phổ biến, giáo dục. Hình thức và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật còn máy móc, hình thức, rập khuôn đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, triển khai các hoạt động giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cho cán bộ công chức, viên chức ngành TDTT nói riêng là một biện pháp hữu hiệu nhằm trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, góp phần hình thành lối sống và làm việc theo pháp luật, đảm bảo cho nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng, trở thành một trong những nội dung lớn của công tác cải cách hành chính. Thực tế cho thấy khi người cán bộ, công chức, viên chức có hiểu biết pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật thì những chủ trương và những biện pháp cải cách sẽ được thực hiện đúng đắn và chính xác. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức, viên chức không hiểu biết pháp luật hoặc hiểu biết không đầy đủ sẽ không chỉ cản trở làm chậm quá trình cải cách mà thậm chí còn gây ra nhiều tiêu cực, làm biến dạng bản chất phục vụ của nền hành chính, làm cho quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội kém hiệu lực và hiệu quả.
Những năm qua các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo ngành TDTT đã bước đầu đánh giá vai trò quan trọng của phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết và ý thức pháp luật phục vụ quá trình công tác.
Tuy nhiên, qua theo dõi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức, việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thường xuyên với các giải pháp cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Ý thức pháp luật, trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT còn hạn chế, từ đó dẫn đến năng lực quản lý và khả năng xử lý các tình huống cụ thể theo pháp luật còn thấp; hiện tượng tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong hoạt động TDTT đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích, phong trào và chất lượng của hoạt động TDTT, gây dư luận xã hội xấu đối với ngành.
Từ thực trạng kiến thức, hiểu biết pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật và thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT trong điều kiện phải tăng cường quản lý nhà nước về TDTT trong tình hình mới khi toàn ngành đang nỗ lực hưởng ứng và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tích cực triển khai công tác phòng, chống hiện tượng tiêu cực trong thể thao, trên cơ sở các yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành, cần tập trung chú trọng một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT
Sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng các cấp là nhân tố cơ bản, quyết định sự vững mạnh và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức trong ngành TDTT, trong đó có công tác giáo dục pháp luật; nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác giáo dục pháp luật tuỳ mức độ khác nhau nhưng đều phản ánh một cách khách quan năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm giáo dục, quản lý của các cấp uỷ, tổ chức Đảng ở cơ quan, tổ chức, trong đó trước hiết phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Các cấp uỷ, chi bộ trước hết là cấp uỷ viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong ngành cần nhận thức rõ chính mình là chủ thể chính, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác giáo dục pháp luật, từ đó nâng cao trách nhiệm, chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp giáo dục thiết thực, hiệu quả. Chú trọng phát huy và gắn trách nhiệm cụ thể từng cấp uỷ viên, đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ được phân công. Thực tiễn cho thấy, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và tổ chức triển khai tổ chức công tác giáo dục pháp luật ở nơi nào càng chặt chẽ thì hiệu quả của công tác này đối với cán bộ, công chức, viên chức càng cao, sự hiểu biết, nhận thức về pháp luật và quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT sẽ trở thành thói quen, từ đó tạo ra và duy trì nếp sống văn hóa pháp lý nơi công sở.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng ngành TDTT cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau khi đào tạo, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác này.
Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình và các hình thức giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với từng đối tượng và yêu cầu nhiệm vụ của ngành TDTT hiện nay.
Về nội dung, chương trình giáo dục pháp luật
Nội dung, chương trình giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT phải sát với thực tiễn, ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với đặc thù của ngành TDTT trong sự phát triển chung của xã hội. Trong điều kiện hiện nay, khi một số môn thể thao của Việt Nam đang từng bước chuyên nghiệp hóa, xóa bỏ bao cấp, các mối quan hệ phát sinh vừa được điều chỉnh bằng các quy phạm chung trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa mang tính đặc thù của thể thao. Do đó nội dung chương trình giáo dục pháp luật cũng phải bảo đảm kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật kinh tế, doanh nghiệp, pháp luật về lao động, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền truyền hình...bên cạnh việc nắm vững pháp luật chuyên ngành TDTT. Tìm hiểu pháp luật TDTT nước ngoài và quốc tế cũng là hết sức cần thiết, bởi thời gian qua đã xảy ra những vụ kiện quốc tế như hợp đồng với huấn luyện viên nước ngoài, vận động viên nước ngoài, vi phạm các quy định về thi đấu...cho thấy sự hạn chế về kiến thức, luật pháp quốc tế, gây thiệt hại không nhỏ về vật chất và uy tín đối với ngành TDTT.
Cùng với bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới, phải chú trọng việc đào tạo lại về pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức có trọng tâm, trọng điểm. Trong nội dung của chương trình giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung cũng như ngành TDTT cần cân đối giữa thời gian học lý thuyết trên lớp với thời gian thảo luận, ôn tập, thực hành nhằm có thời gian hợp lý để học viên tiếp thu kiến thức lý luận và có thời gian vận dụng lý luận vào thực tiễn. Trong mỗi bài, mỗi môn học, phần học cần thiết kế nội dung các bài tập tình huống và nghiệp vụ để học viên xử lý đúng chuyên ngành phù hợp pháp luật và thực tế, đồng thời trong nội dung chương trình sắp xếp thời gian hợp lý để học viên đi khảo sát thực tế, kiến tập, thực tập, viết thu hoạch và viết tiểu luận.
Về hình thức giáo dục pháp luật
Đa dạng hoá các hình thức giáo dục pháp luật, làm cho công tác giáo dục pháp luật thực sự có chiều sâu, đạt hiệu quả cao là đòi hỏi cấp bách hiện nay, đặc biệt là giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT.
Với thực trạng kiến thức, hiểu biết pháp luật của đội ngũ này, kết hợp với đặc thù công việc của ngành TDTT là hoạt động vận động, tập luyện thi đấu ngoài trời, thường xuyên đi công tác xa. Do vậy, ngoài các hình thức lên lớp tập trung, giới thiệu chuyên đề, trang bị kiến thức pháp luật cơ bản, phổ biến thông qua các phương tiện thống tin đại chúng, cần đặc biệt coi trọng các hình thức tuyên truyền, giáo dục trực quan tại các đại hội, giải thi đấu thể thao, các hoạt động TDTT quần chúng, phát triển mạnh các hình thức mới như ký cam kết không vi phạm pháp luật tại các giải thể thao, thành lập câu lạc bộ báo cáo viên pháp luật ngành TDTT, kết hợp nội dung giáo dục pháp luật trong sổ tay huấn luyện viên, vận động viên trong các kỳ đại hội, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu pháp luật về TDTT để khuyến khích và tận dụng công nghệ thông tin, Internet.
Đặc biệt, cần thành lập và đưa vào hoạt động Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Tổng cục TDTT. Đây sẽ là cơ quan tham mưu giúp việc cho lãnh đạo ngành TDTT về công tác giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT nói riêng. Bố trí các thành viên hội đồng một cách hợp lý, bảo đảm trình độ pháp lý nhất định, có kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Trên cơ sở nội dung, kế hoạch chung của Hội đồng phối hợp công tác giáo dục pháp luật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội đồng sẽ căn cứ vào đặc thù của ngành, thực trạng trình độ, kiến thức của từng loại đối tượng cán bộ, công chức, viên chức của ngành TDTT để xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể các thành viên để theo dõi, tổ chức hoạt động, kịp thời phát hiện và có giải pháp khắc phục yếu kém, xác định nội dung, phương pháp chỉ đạo tiếp theo.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật
Thực tế hiện nay, ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Pháp chế theo dõi, tổng hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chung cho cả 3 lĩnh vực là văn hóa, thể thao và du lịch, việc phân công, phân nhiệm cụ thể cán bộ theo dõi từng lĩnh vực chưa rõ ràng, một cán bộ theo dõi nhiều mảng công việc. Tổng cục TDTT là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về TDTT trong phạm vi cả nước có tổ chức Phòng pháp chế với 04 cán bộ, thuộc Văn phòng Tổng cục theo dõi nhiều mảng công việc, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành TDTT. Ở địa phương, theo thông kế chưa có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nào tổ chức phòng pháp chế và hầu hết chưa bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách để theo dõi, tổ chức triển khai công tác giáo dục pháp luật cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương; mảng công việc này được giao cho Văn phòng sở làm đầu mối, có nơi gần như không bố trí người theo dõi.
Như vậy, so với thực tiễn yêu cầu, đòi hỏi của công tác giáo dục pháp luật ngành TDTT nói chung và giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT nói riêng, cũng như hướng sửa đổi bổ sung Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức pháp chế thì tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật ngành TDTT còn nhiều hạn chế, cần có sự bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.
Về trình độ cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật ngành TDTT:
- Đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các tổ chức pháp chế: theo thống kê hầu hết đã có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành luật, hành chính hoặc TDTT. Như vậy, để bảo đảm chất lượng chuyên môn, cần tiêu chuẩn hóa theo hướng mọi cán bộ, công chức làm trong các tổ chức pháp chế ngành TDTT phải có trình độ đại học Luật trở lên nếu tuyển dụng mới. Trường hợp đã vào làm việc nhưng chưa có bằng cử nhân luật, cần bố trí, tạo điều kiện để họ được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ở các loại hình đạo tạo chính quy hoặc không chính quy.
- Đối với đội ngũ giáo viên pháp luật tại các trường Đại học TDTT hoặc các cơ sở đào tạo cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT, cần tuyển chọn người có trình độ đại học luật hệ chính quy trở lên, đồng thời có cơ chế kiểm tra trình độ thường xuyên để kịp thời bồi dưỡng, bổ sung kiến thức pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành TDTT.
- Đối với đội ngũ báo cáo viên pháp luật ngành TDTT, trước mắt cần tăng cường số lượng, bảo đảm chất lượng theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 5/11/2010 quy định về báo cáo viên pháp luật. Mỗi đơn vị thuộc ngành TDTT cần có ít nhất 01 báo cáo viên pháp luật, đội ngũ này cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ thường xuyên. Theo đó, mỗi năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT cần phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức 01 khóa tập huấn (từ 5 đến 7 ngày) về kỹ năng và kiến thức pháp luật nói chung cho báo cáo viên pháp luật của ngành, có kiểm tra cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Lê Thanh Liêm