|
Bà Katherine Muller Marin - Giám đốc, trưởng Đại diện VP đại diện Unesco tại Việt Nam khẳng định cần đẩy mạnh vai trò của văn hoá trong quá trình phát triển (Ảnh: Tuyến Trang) |
Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Thực tế cho thấy, ở tất cả lĩnh vực của ngành, lĩnh vực nào cũng có những bất cập. Có thể kể ra hàng loạt những bất cập như: chính sách tuổi nghề đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính sách đầu tư cho các công trình văn hoá, rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm, thiết chế văn hoá tại địa phương và công trình vui chơi cho thiếu nhi... (lĩnh vực văn hoá); chính sách đãi ngộ đặc thù dành cho VĐV thể thao đạt thành tích đặc biệt xuất sắc cấp quốc gia và quốc tế, chính sách XHH xây dựng các thiết chế thể thao tại các địa phương, chính sách dinh dưỡng, tiền thưởng cho VĐV thành tích cao (lĩnh vực TDTT), chính sách đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho quốc gia và các vùng miền; chính sách bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến, điểm, cơ sở lưu trú du lịch; chính sách đầu tư các khu du lịch trọng điểm có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.. (lĩnh vực du lịch).
Đánh giá về những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, một số cơ chế, chính sách văn bản pháp quy để điều chỉnh hoạt động chưa được ban hành kịp thời. Một số chính sách được ban hành nay không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được tổng kết, đánh giá nên đã không được sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh do vậy không đi vào cuộc sống, thậm chí gây cản trở cho sự phát triển của ngành”.
|
Ông Trần Quốc Phương - Phó Vụ trưởng vụ Lao động Văn hoá, Xã hội - Bộ kế hoạch Đầu tư khẳng định chính sách đầu tư đúng đắn sẽ tạo bước phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực VH,TT&DL (Ảnh: Tuyến Trang) |
Các văn bản mang tính pháp quy đã tạo hành lang pháp lý để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình lại đang gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc. Nếu không có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế, chính sách một cách kịp thời để giải quyết những vấn đề bất cập, gây bức xúc trong nhân dân chắc chắn sẽ gây cản trở tới sự phát triển của ngành VH,TT&DL, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển chung của toàn xã hội.
|
Đại diện Vụ hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính với bài tham luận nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng ngân sách sự nghiệp VH,TT&DL (Ảnh: Tuyến Trang) |
Trước thực trạng trên, cùng với việc thực hiện xây dựng lộ trình các văn bản pháp quy về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, Bộ VH,TT&DL đã nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn ra 20 cơ chế, chính sách được cho là cấp bách nhất để tập trung xây dựng, điều chỉnh, bổ sung.
Những cơ chế, chính sách bất cập mang tính cấp bách trên đã được các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, các chuyên gia phân tích và đưa ra các giải pháp giải quyết trong 2 ngày 19,20/4, tại Hội thảo “xây dựng chính sách cấp bách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch” do Bộ VH,TT&DL tổ chức.
Hy vọng, những vấn đề bất cập mang tính cấp bách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình sẽ sớm được giải quyết. Có như vậy, các văn bản mang tính pháp lý sẽ phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả; đồng thời tạo thuận lợi để việc thực thi các cơ chế, chính sách được tiến hành theo đúng quy trình, đảm bảo đúng pháp luật.
Tuyến Trang