Thảo luận về Chính sách trong lĩnh vực TDTT

Chính sách trong lĩnh vực TDTT là một trong 5 nhóm vấn đề được đưa ra thảo luận trong chương trình Hội thảo “Xây dựng chính sách cấp bách trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình” do Bộ VH,TT&DL tổ chức vào ngày 19/4, tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi thảo luận nhóm về chính sách thể thao (Ảnh: Tuyến Trang)

Buổi thảo luận về chính sách trong lĩnh vực TDTT do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn chủ trì (đồng chủ trì là Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Olympic Việt Nam) với sự tham dự của trên 30 đại biểu đại diện cho các Vụ, đơn vị, các Liên đoàn, Hiệp hội…

Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành TDTT ở các cấp và trong nhà trường; chính sách nâng cao trình độ đội ngũ VĐV thành tích cao; chính sách đãi ngộ đặc thù dành cho VĐV thể thao đạt thành tích đặc biệt xuất sắc cấp quốc gia và quốc tế; chính sách đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm giành huy chương Olympic và Asiad; chính sách về dinh dưỡng, tiền thưởng cho VĐV thành tích cao; chính sách xã hội hóa xây dựng các thiết chế thể thao tại các địa phương; chính sách về tài chính và chính sách phát triển nguồn nhân lực thể thao.

Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội bày tỏ bức xúc về quỹ đất dành cho thể thao (Ảnh: Tuyến Trang)
Những vấn đề trên được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, nhiệt tình và các ý kiến đưa ra đều được chứng minh bằng thực tiễn. Dưới nhiều góc độ, các đại biểu đã cùng nhau phân tích và chỉ ra những tồn tại, bất cập cũng như nguyên nhân trong từng vấn đề cụ thể, đồng thời đưa ra đề xất về chính sách cần giải quyết. Trong đó, cơ chế chính sách được cho là cấp bách tập trung chủ yếu giải quyết những bất cập về: cơ sở vật chất (quy chuẩn, tiêu chuẩn), tài chính (cơ chế tài chính về dinh dưỡng, khen thưởng, khoa học công nghệ, chế độ đãi ngộ), yếu tố con người (hiện nay đối tượng quan tâm nhất là VĐV, trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các đối tượng khác như: HLV, Bác sỹ thể thao, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực TDTT…); xã hội hoá TDTT (chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực TDTT, điều chỉnh mối quan hệ giữa các liên đoàn, hiệp hội với cơ quan quản lý nhà nước và chính sách xây dựng thương hiệu thể thao…).

Sau hơn 2 giờ làm việc nghiêm túc, buổi thảo luận về những bất cập trong việc xây dựng, thực thi cơ chế, chính sách mang tính cấp bách trong lĩnh vực TDTT đã kết thúc. Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn hoàn toàn đồng tình, chia sẻ với ý kiến mà các đại biểu đã đưa ra. Những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu sẽ được tổng hợp, xem xét và báo cáo lãnh đạo Bộ trong buổi làm việc sáng ngày 20/4.

Tuyến Trang

Ảnh trong bài
  • Thảo luận về Chính sách trong lĩnh vực TDTT