Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, hiện tượng tiêu cực trong hoạt động TDTT vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp. Cụ thể như tại các giải thi đấu thể thao, hiện tượng cá độ, dàn xếp tỷ số còn tồn tại và đặc biệt là bạo lực trong thi đấu thể thao có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các vi phạm về tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, HLV, VĐV cũng không hề giảm.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định “Kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao”. Chiến lược phát triển TDTT đến 2020 nêu rõ: “ Khắc phục tình trạng tiêu cực, bạo lực trong thi đấu bóng đá... Đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức chuyên nghiệp đối với đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên”. Điều này đòi hỏi toàn ngành TDTT phải tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động TDTT trong thời gian tới.
Có thể nói, phát triển sự nghiệp TDTT và công tác phòng, chống các biểu hiệu tiêu cực trong hoạt động TDTT là công việc chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT giữ vị trí trung tâm, bởi lẽ đội ngũ này là chủ thể trực tiếp đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về TDTT vào cuộc sống, là nòng cốt trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm cho hoạt động TDTT thực sự mang lại lợi ích thiết thực, tạo ảnh hưởng và uy tín của ngành đối với xã hội.
Thực tiễn các vụ việc tiêu cực trong hoạt động thi đấu TDTT cho thấy, cần phải tăng cường giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT. Đây cũng chính là biện pháp mang tính chiến lược lâu dài nhằm từng bước hạn chế và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động TDTT.
Trong thời gian vừa qua, ngành TDTT đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khắc phục hiện tượng tiêu cực, trong đó có công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên việc thực hiện chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này. Để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực, ngành TDTT cần chú trọng hơn, tổ chức thường xuyên hơn các hình thức giáo dục pháp luật trong từng hoạt động cụ thể để đấu tranh với hiện tượng tiêu cực trong TDTT. Cụ thể tập trung vào một số biện pháp sau:
- Trong các lớp, khóa tập huấn cán bộ, trọng tài trước mỗi đại hội, giải thi đấu thể thao cần đưa pháp luật vào chương trình tập huấn. Nội dung pháp luật trong các lớp tập huấn này nên ngắn gọn, dễ hiểu, chủ yếu phổ biến các văn bản về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, mô phỏng những tình huống tiêu cực có thể xảy ra và hậu quả pháp lý...
- Trong các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa ngành TDTT và ngành Công an về phòng chống tiêu cực trong hoạt động TDTT cần đưa giáo dục pháp luật vào là một phần trong các công việc phải triển khai. Khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong TDTT, bên cạnh việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật giúp họ hiểu rõ lỗi lầm và có hướng sửa chữa, hoàn lương.
- Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, điệu lệ giải, các quy định của Ban Tổ chức, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện và tổ chức các hoạt động TDTT. Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức các đại hội, giải thể thao hoặc các hoạt động TDTT khác cần có hình thức chỉ đạo hợp lý, tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật về TDTT, về an ninh an toàn nơi công cộng, về trách nhiệm của công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, nghiêm túc thực hiện, góp phần vào thành công trong tổ chức các hoạt động TDTT.
Lê Thanh Liêm