HK
Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục Văn hoá cơ sở, Cục Di sản văn hoá, Thanh tra, Vụ Thư viện và Văn phòng Bộ; về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nhữ Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh, UBND thành phố Hạ Long, UBND thành phố Uông Bí, Ban Quản lý di tích trọng điểm tỉnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã nhấn mạnh: Quảng Ninh là địa phương có vị trí địa lý, dân số và điều kiện xã hội thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, với sự phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quảng Ninh, các lĩnh vực kinh tế-xã hội của Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch của Tỉnh năm 2011 và những năm tiếp theo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo:Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh làm đầu mối quản lý nhà nước về di tích tại địa phương; Rà soát, quy hoạch các khu, điểm di tích; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội; xử lý nghiêm các hoạt động mê tín dị đoan; Rà soát, bổ sung, sửa đổi Quy hoạch về quảng cáo. Nghiêm túc thực hiện việc sử dụng tiếng Việt, tiếng nước ngoài tại các biển quảng cáo và tại các khách sạn theo quy định; Xây dựng đề án đầu tư kinh phí xây dựng Thư viện Tỉnh; nâng cấp hệ thống thư viện cấp huyện; kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ tại thư viện cấp huyện; thư viện tại các doanh nghiệp; kinh phí mua sách cho thư viện cơ sở; Triển khai việc kiểm kê và công bố danh mục di tích; kiểm kê và lựa chọn di sản văn hoá phi vật thể của Tỉnh để đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; lập và công bố Quy hoạch khảo cổ di tích Quảng Ninh, cắm mốc giới, quy định các khu vực bảo vệ di tích. Xây dựng Bảo tàng Tỉnh thực sự trở thành một trong những trung tâm văn hoá của Tỉnh; Sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn Bộ đã phân bổ và giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm đầu mối triển khai thực hiện. Quan tâm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng thẩm định các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí của các Hội đồng chuyên ngành; Xây dựng Chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý nhà bè, tàu thuyền kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư và đưa vào sử dụng Bảo tàng Sinh thái Hạ Long. Đẩy mạnh cuộc vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới ở trong và ngoài nước; Khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; Xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức Lễ công bố 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới vào tháng 11 năm 2011 (nếu Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới).
Đối với những đề nghị cụ thể của Tỉnh, Bột trưởng đặc biệt ủng hộ việc đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao vùng Đông Bắc; Nhà hát Hạ Long; Quy hoạch tổng thể Khu di tích Yên Tử, Khu Lăng mộ nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích Chiến Thắng Bạch Đằng.
Về việc đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp khu vực và thế giới: Đề nghị Tỉnh xây dựng kế hoạch đăng cai các giải đấu giai đoạn 2011-2020, gửi Tổng cục Thể dục thể thao xem xét, tổng hợp, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.