Những kết quả của TDTT Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng

Trong năm 5 qua (2006 - 2010), cùng với các ngành, các cấp, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT đặc biệt quan tâm. Sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, các Sở VH,TT&DL trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, thể thao Việt Nam nói riêng được duy trì thường xuyên và tăng cường đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Nghị quyết đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Cùng với các kết quả trong công tác thể chế hoá Nghị quyết của Đảng và ban hành văn bản quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, các hoạt động chuyên ngành về TDTT quần chúng cũng như Thể thao thành tích cao đã đạt được những thành tựu đáng biểu dương.

Kết quả công tác TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao

Công tác TDTT quần chúng được đầu tư đúng mức. Ngoài ngân sách nhà nước, các đơn vị, địa phương trên cả nước còn triển khai và thực hiện có hiệu quả các biện pháp xã hội hoá, thu hút các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội trong các hoạt động TDTT ở cơ sở. Hoạt động phối hợp giữa ngành TDTT với Bộ, ngành, đoàn thể được thực hiện có hiệu quả, góp phần duy trì và đẩy mạnh phong trào TDTT trong từng đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, phụ nữ, nông dân, công nhân viên chức. Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được triển khai liên tục trong nhiều năm qua, đã phát huy hiệu quả thực tiễn và là động lực thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.

Các hình thức tập luyện đơn giản, không cầu đầu tư nhiều về sân bãi, cơ sở vật chất, trang thiết bị như: Dưỡng sinh, Chạy bộ, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng đá mi ni... đã trở nên phổ biến ở hầu hết các địa phương. Chương trình phát triển TD,TT ở cơ sở xã, phường đến năm 2010 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào TDTT quần chúng. Bên cạnh đó, các môn thể thao dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và từng bước được Luật hoá đưa vào chương trình thi đấu. Một số môn thể thao dân tộc như Vovinam, Đá cầu, Vật dân tộc, Võ cổ truyền... bước đầu đã được quốc tế hoá thaàh công. Ngoài ra, một số môn thể thao giải trí gắn với du lịch, lễ hội được hình thành như: Câu cá, Thả diều, Dù bay, Lặn biển, Môtô nước, Lái xe ô tô địa hình.

Tính đến hết năm 2010, trung bình cả nước có 23,6% người dân thường xuyên tham gia các hoạt động TDTT; 35000 CLB TDTT các loại. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tiếp tục được khôi phục, luật hoá và đưa vào chương trình thi đấu tại các Hội thi thể thao dân tộc và Đại hội TDTT toàn quốc. Đã có 24 Liên đoàn, hiệp hội Thể thao quốc gia được thành lập và hoạt động có hiệu quả theo chủ trương xã hội hoá.

 Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tập huấn VĐV thể thao và tổ chức thi đấu toàn quốc tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng VĐV năng khiếu, VĐV thành tích cao ở nhiều lứa tuổi được triển khai có hệ thống. Hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo VĐV, tổ chức thi đấu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao được chú trọng đẩy mạnh. Chính sách đãi ngộ đối với tài năng thể thao và các VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc có nhiều đổi mới. Tiếp tục triển khai mở rộng diện thí điểm thể thao chuyên nghiệp. Điển hình là môn Bóng đá, cơ chế chuyển nhượng cầu thủ, HLV đã phát huy hiệu quả, tạo sự đua tranh quyết liệt đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Bóng đá Việt Nam.

Thể thao thành tích cao có sự tiến bộ khá rõ nét. Điều đó được khẳng định thông qua vị trí xếp hạng của thể thao Việt Nam tại các đấu trường Châu lục và thế giới (luôn đứng vị trí 3 nước hàng đầu ở khu vực ĐNÁ, xuất sắc giành vị trí thứ 2 toàn đoàn tại Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3). Tại Đại hội thể thao trẻ thế giới lần thứ Nhất, tại Singapore, đoàn TTVN đã giành 01 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ, đứng thứ 42 toàn đoàn. Gần đây nhất là ASIAD 16, đoàn TTVN đã giành 01 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ, đứng thứ 24/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

 Trong những năm qua, TTVN luôn tham gia các Đại hội thể thao khu vực, Châu Á và Đại hội thể thao thế giới. Việt Nam cũng là nước được đánh giá là thành viên tích cực của các tổ chức thể thao quốc tế ở khu vực Châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tăng cường đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế, được bạn bè thế giới đánh giá cao về năng lực, trình độ tổ chức cũng như lòng mến khách của người dân Việt Nam.

Các mục tiêu hướng tới

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, cùng với các lĩnh vực văn hoá, kinh tế, xã hội, TDTT Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu cơ bản như sau: về TDTT quần chúng: phấn đấu số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; 90% số xã xây dựng được các địa điểm tập luyện TDTT cho nhân dân; 10% cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định; 95% tỷ lệ trường học thực hiện giáo dục thể chất có nền nếp; 65 - 70% tỷ lệ trường học thực hiện tốt hoạt động TDTT ngoại khoá; 5000 CLB TDTT

Về thể thao thành tích cao: Tiếp tục phấn đấu giữ thứ hạng từ 1 - 3 trong các kỳ SEA Games; đứng trong nhóm 15 quốc gia dẫn đầu thành tích tại ASIAD 2014, trong 15 quốc gia đứng đầu tại kỳ Đại hội thể thao khác của Châu Á; có huy chương tại Olympic 2012; 100% môn thể thao có Liên đoàn hiệp hội thể thao cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam; Chiến lược phát triển khoa công nghệ và y học TDTT; Quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

HKT

Ảnh trong bài
  • Những kết quả của TDTT Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng