Một trái tim nhiệt huyết đã ngừng đập

Nói đến các giải Bơi Trung, cao tuổi toàn quốc, hình ảnh ấn tượng với nhiều người chính là một VĐV cao tuổi với bộ râu dài ngang ngực, nhưng ánh mắt thì vẫn rất tinh anh. Đó chính là ông Lê Đức Chỉnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Cả cuộc đời gắn bó với ngành TDTT, người cán bộ lão thành cách mạng Lê Đức Chỉnh chính là tấm gương cho các thế hệ ngành thể thao noi theo và học tập.

Khi tôi vào ngành làm việc thì bác Chỉnh đã nghỉ công tác được mấy chục năm rồi. Nhưng qua những lần được tiếp xúc với bác và qua những câu chuyện được nghe kể lại từ các cán bộ khác của ngành, tôi đã hình dung ra được phần nào chân dung một người lãnh đạo ngành đầy nhiệt huyết, năng động.

Trong một lần trò chuyện với ông, tôi đã được nghe ông tâm sự về cuộc đời mình, về những điều kỳ vọng, ước mơ, hoài bão của mình. Tên thật là Hoàng Ngọc Chương, bác Lê Đức Chỉnh nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, Khu uỷ viên Khu Tự trị Việt Bắc, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam. Sinh năm 1918 tại vùng đất giàu truyền thống yêu nước Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh trong một gia đình nghèo nhưng hiếu học, chàng thanh niên Lê Đức Chỉnh đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước và một lòng đi theo cách mạng.

Với khả năng thiên phú về bơi lội, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã trực tiếp tham gia các hoạt động cách mạng, làm liên lạc chuyển tài liệu và truyền đơn qua những con sông. Nhưng những biến cố của gia đình và xã hội đã thay đổi cuộc đời ông khi phải xa quê hương, xa con sông La hiền hòa và vùng đất Hà Tĩnh để tới vùng đất Quy Nhơn. Một sự tình cờ khi ông đăng ký tham dự giải Bơi Trung kỳ tại Huế năm 1942, ông đã ngôi quán quân và còn phá kỷ lục Trung kỳ. Những tố chất thể thao đã được bộc lộ nơi ông. Chính thành tích này đã gắn bó cả cuộc đời ông với thể thao, cho dù ông đã chuyển qua nhiều vị trí công tác khác nhau.

Sau Cách mạng tháng 8, ông tham gia rất nhiều hoạt động cách mạng khác nhau và được bầu vào BCH Trung ương Đoàn Thanh niên. Đến năm 1969,  ông được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về phụ trách ngành TDTT. Ngành TDTT khi đó gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cán bộ làm công tác TDTT vừa thiếu, vừa chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc phát triển phong trào TDTT trong quần chúng nhân dân và qua đó tuyển chọn những VĐV thể thao xuất sắc tham dự các giải thể thao quốc tế được đặt lên hàng đầu. Trong thời kỳ nhiều khó khăn này, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị nhấn mạnh TDTT là một biện pháp để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của người dân và vì vậy, cần phát triển TDTT thành một phong trào rộng khắp trong quần chúng nhân dân, kết hợp việc phát triển phong trào quần chúng với xây dựng đội ngũ cán bộ và lực lượng nòng cốt.

Khoảng thời gian13 năm ở cương vị lãnh đạo ngành thể thao, hình ảnh của ông đã gắn bó với  một thời khó khăn nhưng hào hùng của thể thao Việt Nam. Do đặc thù phải phát triển TDTT trong bối cảnh cả nước có chiến tranh nên ông đã khéo léo đưa phong trào "Bơi, Chạy, Nhảy, Bắn, Võ" vào các hoạt động TDTT. Thành tích nổi bật nhất chính là những những tấm HCV Bơi lội Châu Á, kỷ lục thế giới về Bắn súng.... Điều này đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tới nhân dân thế giới và cuộc đấu tranh chính nghĩa thống nhất đất nước của nhân dân ta. Không thể phủ nhận được một điều những thành tích của TTVN ngày hôm nay có sự đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ đi trước mà ông là một người tiêu biểu.

Rất nhiều giải thể thao truyền thống lớn đã được bắt nguồn từ những chính sách thể thao quan trọng như: giải Bơi vượt sông Bạch Đằng, giải chạy Việt dã Báo Tiền phong... Ông đã từng khẳng định nhân tài thể thao của chúng ta là bắt nguồn từ phong trào thể thao của quần chúng nhân dân. Do đó, để phát triển được TDTT thì cán bộ thể thao phải đi xuống cơ sở, địa phương, đến các nơi xa xôi, hẻo lánh để phát động phong trào. Ăn cùng dân ở cùng dân, làm cùng dân, có như vậy mới hiểu được người dân cần gì, cần làm như thế nào để phát triển phong trào thể thao. TDTT đã góp phần gắn kết cộng đồng, nâng cao tình đoàn kết của mọi người trong xã hội. Những gian nan, vất vả của ngành trong thời kỳ chống chiến tranh phá họai của đế quốc Mỹ và công tác tổ chức cán bộ vào gây dựng phong trào thể thao ở miền nam sau ngày giải phóng đất nước chính là những thử thách lớn của ông trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành.

Khi đã nghỉ công tác, ông vẫn thường xuyên tập luyện thể thao. Việc rèn luyện thể thaokhông chỉ giúp ông nâng cao thể lực, trí lực mà những hoạt động này còn giúp ông luôn vận động, hòa mình với những biến chuyển không ngừng của đời sống xã hội. Ngoài 90 tuổi, ông vẫn giữ được một tinh thần minh mẫn, sức khỏe dồi dào, phong thái ung dung. Ttrong ông, tinh thần thể thao luôn rực cháy không ngừng. Dòng máu thể thao luôn chảy trong huyết quản của ông.

Nhưng những quy luật khắc nghiệt của cuộc sống không cho ai được ngoại lệ. Trái tim nhiệt huyệt với ngành thể thao đã vĩnh viễn ngừng đập. Dù với cương vị là một VĐV Bơi lội, nhà lãnh đạo cao nhất của ngành hay là một công dân bình thường của thủ đô thì ông vẫn luôn cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp TDTT. Tâm nguyện của ông về việc muốn phát triển thể thao đỉnh cao, cần chú trọng phát triển phong trào thể thao rộng khắp trong quần chúng nhân dân; mọi người dân, dù ở miền núi hay hải đảo, thành thị hay nông thôn đều thường xuyên rèn luyện thân thể vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, CNVC ngành TDTT nối tiếp và phát triển. Cho dù những bộn bề, toan tính đời thường ít nhiều cũng ảnh hưởng đến thể thao chân chính, nhưng ông  luôn là tấm gương để những cán bộ làm thể thao noi theo.

T.Dương

Ảnh trong bài
  • Một trái tim nhiệt huyết đã ngừng đập