Những tín hiệu vui trong mùa Lễ hội xuân Tân Mão

Những ngày đầu xuân chính là mùa của lễ hội. Việc tổ chức và tham dự các Lễ hội ngày xuân đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người dân từ hàng ngàn năm nay. Tham dự Lễ hội không chỉ nhằm thoả mãn khát vọng tâm linh với các sinh hoạt tín ngưỡng mà còn giúp mọi người dân trở về cội nguồn, hưởng thụ, tiếp nối và duy trì các sáng tạo văn hoá.

Khẩu hiệu tuyên truyền được đặt ngay tại cổng vào.... (Ảnh: T. Dương)
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như hoạt động mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội… Điều này đã làm sai lệch đi giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt "tiền giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...

Có mặt tại Đền Bà Chúa Kho trước khi khai hội chính, có thể nhận thấy sự chuẩn bị chu đáo của địa phương để đón du khách thập phương về dự hội. Tình hình an ninh, trật tự đều có sự chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn Tuyến – Hội trưởng Hội Người Cao tuổi tại Khu di tích đến Bà Chúa Kho cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và nhắc nhở du khách thập phương cũng như các hộ kinh doanh giữ gìn an ninh trật tự, lối sống văn minh. Đặc biệt, công tác an ninh, trật tự an toàn trong những ngày này được đặc biệt tăng cường, hạn chế đến mức cao nhất tình trạng móc túi, ăn xin, chèo kéo khách hay khấn thuê… Bên cạnh đó, các cấp, các ngành hữu quan cũng thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo sát sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách”.

Tại các địa điểm khác như Đền Sóc, dự kiến đón khoảng 15 vạn du khách trong 3 ngày lễ hội, nhưng theo ông Nguyễn Văn Lâm – Trưởng BQL Khu di tích Du lịch đền Sóc Sơn, đã có trên 30 vạn khách thập phương về dự lễ năm nay. Do đặc thù khu di tích năm trên một vùng đồi núi với nhiều cây xanh nên việc tuyên truyền ý thức người dân, không bẻ cây, hái lộc đầu năm đã được BQL chú trọng nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường. Không  những vậy, BQL khu di tích còn chú trọng cả việc bảo vệ môi trường văn hóa. Đó chính là ý thức của người dân bản địa, của các hoạt động dịch vụ thông qua hệ thống loa tuyên truyền, các tài liệu và tờ rơi. Năm ngoái, BQL đã cho phát 3 vạn tờ rơi giới thiệu về cụm di tích đền Sóc và cũng là để tuyên truyền về nếp sống văn hóa mới cho người dân. Có lẽ đền Sóc là một trong số ít các nơi mà tình trạng đặt tiền lễ lên các ban thờ, tượng thờ ít xuất hiện. Cùng với đấy là tình trạng bán vàng mã và các hoạt động như xin thẻ… cũng được hạn chế rất nhiều. Đây cũng điều được du khách thập phương về trẩy hội hết sức hoan nghênh và đồng tình.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định cho dù các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc làm lành mạnh các hoạt động lễ hội, nhưng không phải đã hạn chế được hoàn toàn các hoạt động tiêu cực. Nhiều nơi vẫn còn phổ biến các hình thức cúng, khấn thuê. Thậm chí công bày bán công khai ngay tại khuôn viên đền, chùa nhiều loại đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực dao, súng hay các trò cờ bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng. Dù đã hạn chế nhiều nhưng tình trạng đặt hòm công đức tràn lan vẫn còn hiện hữu ở một số ít địa điểm.

Công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ giá trị của lễ hội, bảo vệ môi trường cảnh quan tại các khu di tích vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Điều này cũng dẫn đến ý thức của một bộ phận người dân tham gia lễ hội chưa cao. Chính vì vậy, trong các ngày diễn ra lễ hội, vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan lễ hội luôn là điều làm đau đầu các cơ quan chức năng. Do các lễ hội đều thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự nên dù nhiều nơi, BTC đã bố trí các thùng, điểm chứa rác thải, hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng ở một số nơi vẫn còn tình trạng ngổn ngang rác thải các loại, vô hình chung đã làm giảm tính chất tôn nghiêm, trang trọng của các địa điểm mang tính tâm linh.

Cùng với đó, sự quá tải tại các lễ hội vẫn “đến hẹn lại lên” cho dù rất nhiều phương án chuẩn bị và cán bộ, BQL các khu di tích nỗ lực hết sức vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của lượng khách thập phương hành hương vào hội. Cảnh tắc đường, chen chúc nhau , tăng giá các dịch vụ gấp nhiều lần ngày thường, chèn ép khách vẫn là điều chưa thể kiểm soát được.

Có thể khẳng định những nỗ lực của Bộ VH,TT&DL cùng các đơn vị có chức năng đã mang lại những kết quả đáng mừng trong mùa Lễ hội năm nay.  Hầu hết các hoạt động mê tín dị đoan đã được ngăn chặn tại những địa điểm lễ hội. Công tác trật tự, an ninh và vệ sinh, cảnh quan môi trường đã được cải thiện. Những điều này hứa hẹn người dân sẽ có một mùa lễ hội đầu xuân vui vẻ, thuận lợi và được bồi đắp đời sống tinh thần một cách bổ ích và phong phú.

N.Quang

Ảnh trong bài
  • Những tín hiệu vui trong mùa Lễ hội xuân Tân Mão