|
Đội tuyển Điền kinh Việt Nam đã giành được kết quả ngoài mong đợi tại Asiad 16 (Ảnh: Hà Tuấn) |
Ở mỗi đấu trường, thể thao Việt Nam luôn gặp phải những khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực hết mình của các VĐV, HLV và những người làm công tác thể thao, vị thế của thể thao Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong năm 2010, cùng với hàng loạt các hoạt động văn hoá, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, ngành TDTT đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao tạo không khí sôi nổi trong nhân dân. Một trong những điểm nhấn quan trọng đó là các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đã diễn ra liên tục trong thời gian dài ở khắp các tỉnh, thành với nội dung phong phú, thiết thực, kết hợp hài hoà giữa văn hoá truyền thống và hiện đại. Các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch đã huy động được sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, của người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đã có hơn 12 tác phẩm, công trình, sản phẩm, thành tích văn hoá, thể thao và du lịch được sáng tạo, phổ biến và được nhân dân đánh giá cao.
Cùng với việc tổ chức các giải thi đấu thể thao có quy mô lớn nhân dịp Đại lễ như: giải Vô địch Cầu lông quốc tế - Hà Nội, giải Đua xe đạp xuyên Việt quốc tế, giải Bóng đá quốc tế chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...trong năm 2010, Thể thao Việt Nam còn tham dự nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn như: Olympic trẻ lần thứ Nhất, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự chỉ với 13 VĐV, tranh tài ở 7/26 nội dung thi đấu. Kết quả nằm ngoài sự mong đợi của các nhà chuyên môn khi các VĐV trẻ của Việt Nam giành được 4 huy chương, trong đó có 1 HCV của VĐV môn Cử tạ - Thạch Kim Tuấn.Qua Đại hội này, thể thao Việt Nam đã học hỏi được nhiều vấn đề từ công tác tổ chức, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng VĐV trẻ.
Và tại Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 16 - sân chơi lớn nhất châu lục, được tổ chức tại Quảng Châu - Trung Quốc, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được 33 huy chương các loại, trong đó có 1 HCV, 17 HCB và 15 HCĐ. Kết quả này tuy không đạt được mục tiêu đặt ra (từ 4 - 6HCV), song với những gì mà các VĐV Việt Nam giành được tại Á vận hội lần này là một sự cố gắng đáng ghi nhận, đặc biệt là đối với các VĐV môn Điền kinh. Với 3 HCB, 2 HCĐ - một kết quả bất ngờ, ngoài sự mong đợi của các nhà chuyên môn đã giúp cho điền kinh Việt Nam viết lên trang sử mới trên bản đồ thể thao châu Á. Những tấm huy chương này dù là Bạc nhưng quý giá hơn Vàng, bởi đây là lần đầu tiên Điền kinh Việt Nam giành được huy chương trong lịch sử tham dự Á vận hội.
Tiếp đến, tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Châu Á lần thứ I, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham gia với 57 VĐV, thi đấu ở 6 môn thể thao: Điền kinh, Cầu lông, Bơi, Bóng bàn, Cử tạ và Judo. Với thành tích 3 HCV, 4 HCB, 10 HCĐ, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã xếp vị trí thứ 11 trên 41 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội.
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI với 62 môn và phân môn đã được tổ chức thi đấu tại 14 địa phương trong toàn quốc, trong đó VCK được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 12 vừa qua. Đây là kỳ Đại hội được tổ chức từ tháng 1 - 12/2010, với 62 môn và phân môn, 903 bộ huy chương các loại). Lễ khai, bế mạc được tổ chức hoành tráng, công phu với sự tham dự của đông đảo người hâm mộ.
|
Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam đã không bảo vệ được chiếc cúp Vô địch VFF Cúp năm 2010 (Ảnh: Thế Thiện) |
Tại Đại hội lần này, chất lượng các môn thi được nâng lên đáng kể, ngoài những đơn vị mạnh như Hà Nội giành tới 191 HCV, Tp Hồ Chí Minh - 127 HCV và đứng thứ 3 là đoàn Quân đội với 68 HCV, hầu hết các đoàn tham dự đều giành được huy chương (trong số 65 đoàn tham dự có tới 64 đoàn giành huy chương, chỉ duy nhất Lai Châu là đoàn không giành được tấm huy chương nào). Điều này cho thấy phong trào TDTT quần chúng tại khắp các địa phương đã được quan tâm, đầu tư đúng mức, nhận thức về vai trò của TDTT đã có những biến chuyển mạnh mẽ. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, đồng thời là dịp để người dân được hưởng thụ những giá trị tinh thần, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân các địa phương. Đây là.sự kiện thể thao quốc gia được tiến hành từ cấp xã, huyện, tỉnh trong cả nước nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào tập luyện TDTT của quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ của toàn dân.
Trước đó, Đại hội TDTT các cấp đã được tổ chức tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả có 93,3% đơn vị cấp xã tổ chức Đại hội với trung bình 6 môn thể thao, 97,1% đơn vị cấp huyện đã tổ chức Đại hội với trung bình 10 môn thể thao.
Cũng trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát TDTT đến năm 2020 đã được thể hiện chi tiết ở từng lĩnh vực cụ thể. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Trong đó, tập trung vào các môn thể thao trọng điểm loại 1 - các môn Olympic như: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Taekwondo, Vật, Bắn súng, Karatedo, Boxing, Cầu lông, Bóng bàn...
Cùng với những thành tích đã đạt được, năm 2010 thể thao Việt Nam vẫn còn những tồn tại dẫn đến một số kết quả không như mong đợi như: Công tác tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI chưa tương xứng với tầm vóc của một sự kiện thể thao 4 năm mới có 1 lần (thời gian tổ chức kéo dào từ 1 - 12/2010, tại 14 tỉnh, thành trên toàn quốc, công tác chuẩn bị cho VCK Đại hội của BTC địa phương còn chậm chễ...), việc đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao dàn trải, chưa chuyên nghiệp; Asiad 16, đoàn Thể thao Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu; thất bại của đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam tại giải Vô địch địch AFF cúp... , Bước sang năm 2011, những tồn tại, hạn chế trong năm qua sẽ là những bài học quý báu giúp các nhà quản lý có những quyết sách đúng đắn trong việc hoạch định kế hoạch cũng như giải pháp trước mắt và lâu dài để Thể thao Việt Nam hoàn toàn tự tin, vững vàng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
HKT