Góp ý Đề cương Đề án phát triển Văn hoá dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020

Được sự cho phép của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn, Vụ Văn hoá Dân tộc (VHDT) Bộ VH,TT&DL đã tiến hành xây dựng Đề cương Đề án phát triển VHDT thiểu số Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 10/12/2010, Vụ VHDT đã tổ chức buổi họp báo cáo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, đồng thời xin ý kiến các Tổng cục, Cục, Vụ liên quan  đến Đề cương trước khi chính thức trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2011.

Theo đó, việc xây dựng Đề cương Đề án được dựa trên những quan điểm của Đảng, nhà nước, xã hội, thực trạng VHDT thiểu số, từ đó đưa ra các phương pháp tiếp cận như: khai thác tài liệu liên quan đến chính sách của Đảng, lấy ý kiến...đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng Đề án nhằm phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo tính định hướng chiến lược, đối phó với nguy cơ tụt hậu cũng như thông qua phát triển văn hoá hướng tới mục tiêu xoá đói, giảm nghèo...

Đặc biệt, Đề án có điểm khác biệt so với những Đề án đã được triển khai từ trước tới nay đó là về đối tượng (chú trọng vào các dân tộc thiểu số), về phương thức triển khai (từ cơ sở lên), sản phẩm thực tế (tập trung vào chủ thể văn hoá). Đề án gồm có 8 dự án, thực hiện theo 2 giai đoạn từ 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

Về cơ bản, Đề cương Đề án đã nhận được sự đồng ý thống nhất giữa các thành viên dự họp. Tuy nhiên, cũng có một số đóng góp thiết thực nhằm giúp nâng cao hiệu quả của Đề án khi được phê duyệt và đưa vào thực hiện như: cần thống nhất phạm vi, đối tượng được nêu trong các phần của Đề án; bổ sung thêm đối tượng phối hợp trong quá trình thực hiện Đề án; số lượng 8 Dự án được nêu trong Đề án là khá nhiều do đó nên rút gọn nhằm đảm bảo khả năng thực hiện cao...

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định: đây là Đề án ưu tiên phát triển văn hoá cho các dân tộc thiểu số, do đó Đề cương một mặt mang tính kế thừa nhưng mặt khác phải thể hiện được sự đột phá (triển khai từ dưới lên, xuất phát từ cơ sở, địa phương), tránh dàn trải, chồng chéo. Ngoài văn hoá, thể thao và du lịch, gia đình cũng là vấn đề nên đưa vào Đề án. Nên lồng ghép đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và phương hướng giải quyết bài trừ hủ tục vào nội dung của Đề án.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị, trong thời gian tới Vụ VHDT hoàn chỉnh Đề cương theo đóng góp của các thành viên dự họp tiến tới xây dựng chương trình kế hoạch, lộ trình làm việc cụ thể. Ngoài ra, Vụ VHDT cần xây dựng kế hoạch khảo sát, hội thảo và dự trù kinh phí cụ thể cho Đề án.

A.T

Ảnh trong bài
  • Góp ý Đề cương Đề án phát triển Văn hoá dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020