Báo cáo Bộ trưởng về Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030

Để rà soát các nội dung cũng như hoàn chỉnh về thể thức văn bản, chiều ngày 30/11, Ban soạn thảo Đề án đã có buổi báo cáo trước Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL - ông Hoàng Tuấn Anh. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo Tổng cục TDTT - ông Vương Bích Thắng, đại diện Vụ Pháp chế Bộ VH,TT&DL, Vụ Tài Chính - Kế toán...

Ông Vũ Thái Hồng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT báo cáo tóm tắt Đề án (Ảnh: VD )
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân và ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan về Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 tại phiên họp ngày 6/10 vừa qua, Ban soạn thảo đã bổ sung và hoàn tất công tác chỉnh sửa Đề án.

Thay mặt Ban soạn thảo Đề án, ông Vũ Thái Hồng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Việt Nam đã trình bày những nét khái quát về dự thảo Đề án. Theo đó, các vấn đề về thực trạng, giải pháp, nội dung cũng như mục tiêu của Đề án được xây dựng một cách chi tiết cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là các vấn đề sau:

Nội dung đề án đưa ra 3 nhóm giải pháp thực hiện đó là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về huy động nguồn nhân lực và nhóm giải pháp về nâng cao giáo dục truyền thông, trong đó 2 giải pháp trực tiếp đó là tiến hành đồng thời TDTT và chăm sóc dinh dưỡng học đường. Về thể lực, đặc biệt là sức bền, sức mạnh phấn đấu thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển ở châu Á. Đề án bao gồm 4 chương trình: chương trình 1: Nghiên cứu triển khai ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam; chương trình 2: Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khoẻ, chất lượng dân số có liên quan; Chương trình 3: Phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với  học sinh có độ tuổi từ 6 - 18; chương trình 4: Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam

Theo lộ trình thực hiện, từ năm 2011-2015 sẽ nghiên cứu triển khai những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc, và chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh từ 6-18 tuổi; thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và TDTT. Từ năm 2016-2020 thực hiện mở rộng các giải pháp đồng bộ. Giai đoạn 2021-2030 phổ cập, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam. Hàng năm tổ chức, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình thành phần và tổng kết công tác triển khai thực hiện Đề án 5 năm/1lần; xác định tiêu chí lựa chọn các tỉnh, thành phố để chỉ đạo thí điểm thực hiện Đề án, trong đó lưu ý đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng, miền; mỗi vùng, miền nên chọn nhiều nhất 3 đơn vị thí điểm...

Thực tế, vấn đề này đã được các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đề cập từ năm 2001. Tuy nhiên do những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, đến nay sau 9 năm nghiên cứu và xây dựng, Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 mới được hoàn tất và nếu được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra thì đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam sẽ đạt 167cm và 157cm đối với nữ.

Theo khảo sát về thể lực và tầm vóc của người Việt Nam hiện nay cho thấy, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với chuẩn quốc tế) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn). Chính vì vậy, có thể khẳng định Đề án được thực hiện sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách về thể lực cũng như tầm vóc của Người Việt Nam so với chuẩn quốc tế và đặc biệt là so với các nước trong cùng khu vực như: Nhật Bản, Singapore, Thái Lan...

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với Vụ Pháp chế - Bộ VH,TT&DL để rà soát lại Đề án một cách kỹ lưỡng và phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

HKT


Ảnh trong bài
  • Báo cáo Bộ trưởng về Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030