Để đảm bảo tính khoa học và tính khả thi trong triển khai thực hiện mục tiêu phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ VH,TT&DL chủ trì phối hợp với các Bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2010 “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” với các chương trình, thành phần có nội dung cơ bản như đề xuất trong 04 đề án của “Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam từ 2010 đến 2030”;
Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án, cụ thể: Bổ sung vào Đề án đối tượng bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Bộ Y tế chủ trì xây dựng các nội dung liên quan đến những đối tượng nêu trên, lưu ý đưa việc kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án do Bộ Y tế đã và đang chủ trì thực hiện vào nội dung Đề án; xây dựng hệ thống chi tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả các chương trình của Đề án; xác định các tiêu chí phát triển thể lực, tầm vóc bảo đảm căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Nêu rõ hơn vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân nhằm hình thành phong trào phấn đấu cải thiện, nâng cao thể lực, tầm vóc trong cộng đồng xã hội, đề cao vai trò và trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các mục tiêu của Đề án.
Bên cạnh đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án ở địa phương mình, nhất là đối với các địa phương được chọn làm thí điểm; đề xuất cơ chế sử dụng các công trình TDTT trên địa bàn phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trường học (chính khóa và ngoại khóa); bổ sung chức năng hỗ trợ giáo dục thể chất trường học cho các cơ sở tập luyện, thi đấu của ngành TDTT ở các cấp làm căn cứ xây dựng Quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành TDTT đến năm 2020.
Về tổ chức thực hiện Đề án, hàng năm tổ chức, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình thành phần và tổng kết công tác triển khai thực hiện Đề án 5 năm/1 lần; xác định tiêu chí lựa chọn các tỉnh, thành phố để chỉ đạo thí điểm thực hiện Đề án, trong đó lưu ý đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng, miền; mỗi vùng, miền nên chọn nhiều nhất 3 đơn vị thí điểm.
Nguyễn Tâm