Các hoạt động TDTT ở cấp xã thuộc trách nhiệm quản lý của cán bộ phụ trách công tác văn hoá xã hội ở cấp xã. Các cán bộ này thuộc chức danh công chức xã và hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp cũng như các chế độ bảo hiểm theo quy định. Điều này căn cứ theo hướng dẫn tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ (Quy định về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) và Thông tư Liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Cũng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Thông tư 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH quy định về những người hoạt động không chuyên trách (hay còn gọi là cộng tác viên) bao gồm cả cộng tác viên TDTT. Tuy nhiên, chức danh, số lượng, việc kiêm nhiệm các chức danh và mức phụ cấp sẽ do UBND tỉnh tuỳ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định. Mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách sẽ không vượt quá hệ số 1,0 mức tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định.
Đối với hoạt động TDTT ở địa bàn xã, phường, thị trấn, cụm dân cư là các hoạt động theo phong trào, tự nguyện của cộng đồng dân cư, có tính chất xã hội hoá cao; khi CTV TDTT tham gia các hoạt động TDTT theo nhu cầu của dân cư thì nguồn chi trả thù lao cũng được xã hội hoá theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động TDTT có trách nhiệm đóng góp chi phí để chi trả bồi dưỡng cho CTV TDTT. Việc chi trả được dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thoả thuận, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa hai bên. Chính sách xã hội hoá đối với các hoạt động TDTT được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường và Thông tư hướng dẫn số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính.
Nguyễn Kim