Bộ VH,TT&DL phê duyệt đề cương “Quy hoạch phát triển TDTT VN giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030

“Phát triển TDTT để góp phần nâng cao sức khoẻ, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; Tăng cường thể lực của thanh thiếu niên” là một trong những quan điểm, mục tiêu phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được xác định tại đề cương của Quy hoạch.

Ngày 3/11/2010, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quyết định số 3866/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt nội dung đề cương “Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề cương Quy hoạch được xây dựng dựa trên các quan điểm, trong đó có quan điểm: Phát triển TDTT để góp phần nâng cao sức khoẻ, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; Tăng cường thể lực của thanh thiếu niên; Phát triển đồng bộ TDTT trường học, TDTT quần chúng và TDTT trong lực lượng vũ trang, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; Phát triển TDTT là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội, là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó ngành TDTT giữ vai trò nòng cốt; Coi việc lãnh đạo công tác TDTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội…

Mục tiêu của Quy hoạch chính là thực hiện mục tiêu chung đã xác định trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 (Mục tiêu mang tính tổng quát của Chiến lược là xây dựng và phát triển nền thể dục thể thao nước nhà “Vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh, hội nhập và phát triển”.)

Cụ thể hoá mục tiêu đó, Quy hoạch đã vạch ra chỉ tiêu cụ thể cũng đã nêu trong Chiến lược phát trin TDTT Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, chỉ tiêu về TDTT quần chúng gồm: Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2015 đạt tỷ lệ 28% dân số và năm 2020 đạt 33%; Số gia định luyện tập TDTT đến năm 2015 đạt 22% và năm 2020 đạt 25%; Số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khoá đến năm 2015 đạt 100%; Số trường học phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đủ cho hoạt động TDTT có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khoá đến năm 2020 đạt từ 50 – 55% tổng số trường; Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2020 đạt 85-90% tổng số học sinh phổ thông các cấp.

Về TDTT trong lực lượng vũ trang, phấn đấu đến năm 2020, số cán bộ chiến sỹ thường xuyên rèn luyện thân thể đạt 77%; Số cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo từng quân, binh chủng đến năm 2015 đạt 82,5% và đến năm 2020 đạt 85,5%.

Trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, Quy hoạch đã vạch rõ chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong từng năm từ năm 2010 đến năm 2020, cụ thể: năm 2010: Tham gia ASIAD 16 tại Quảng Châu - Trung Quốc, giữ từ vị trí 15; Năm 2011: Tham gia SEA Games 26, giữ vị trí tốp 3 toàn đoàn; Năm 2012: Tham gia Olympic lần thứ 30 tại London - Anh, cố gắng có khoảng 20 VĐV lọt qua các cuộc thi vòng loại và phấn đấu có huy chương; Năm 2013: Tham gia SEA Games 27, giữ vị trí tốp 3 toàn đoàn; Năm 2014: Tham gia ASIAD 17 tại Inchoen - Hàn Quốc, giữ vị trí top 15, tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII; Năm 2015: Tham gia SEA Games 28, giữ vị trí tốp 3 toàn đoàn; Năm 2016: Chuẩn bị lực lượng VĐV ưu tú tham gia Olympic lần thứ 31 tại Rio de Janeiro - Brazil, phấn đấu có khoảng 30 VĐV lọt qua các cuộc thi vòng loại và có huy chương; Năm 2017: Tham gia SEA Games 29, phấn đấu giữ trong tốp 2 toàn đoàn; Năm 2018: Tham gia ASIAD 18, giữ vị trí 14 – 12, tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII; Năm 2019: Đăng cai tổ chức SEA Games 30 tại Việt Nam, đứng thứ nhất toàn đoàn; Năm 2020: Tham gia Olympic lần thứ 32, có khoảng 35-40 VĐV lọt qua các cuộc thi vòng loại và có HCV. Ngoài ra Thể thao Việt Nam tham gia đầy đủ các Đại hội thể thao quốc tế khác.

Trong quy hoạch phát triển TDTT cho mọi người đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ bao gồm: Quy hoạch phát triển TDTT trường học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (trong đó, từng đối tượng sẽ có quy hoạch phát triển riêng: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, đại học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề); Quy hoạch phát triển TDTT quần chúng (Quy hoạch theo vùng gồm: miền núi và biên giới hải đảo, các thành thị, các vùng nông thôn); Quy hoạch phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân, công an nhân dân); Quy hoạch phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp (Quy hoạch đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh trực thuộc Trung ương, trong lực lượng vũ trang nhân dân, hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao).

Các chương trình, đề án trọng điểm trong Quy hoạch gồm: Chương trình xây dựng pháp luật (Sửa đổi bổ sung Luật TDTT, Nghị định Chính phủ về giáo dục thể chất và thể thao trường học, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các thiết chế TDTT và về đánh giá thể chất người Việt Nam); Quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm gồm: Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam từ 2010 – 2030, Quy hoạch phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 định hướng đến 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về TDTT giai đoạn 2011 – 2020; Đề án chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội về TDTT đến năm 2015; Quy hoạch phát triển toàn diện Bóng đá Việt Nam đạt top 10 Châu Á (thực hiện chương trình “Tầm nhìn Việt Nam” của AFC), Đề án xin đăng cai và tổ chức Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ V năm 2016 tại Việt Nam, Đề án xin đăng cai và tổ chức Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Việt Nam, Đề án thí điểm đặt cược thể thao, Đề án quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật TDTT quốc gia đến 2015 định hướng đến 2020.

HKiên

Ảnh trong bài
  • Bộ VH,TT&DL phê duyệt đề cương “Quy hoạch phát triển TDTT VN giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030