Nhìn lại phong trào thi đua yêu nước toàn ngành VH,TT&DL giai đoạn 2006 - 2010

Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến là đòn bẩy cho phong trào thi đua cả nước nói chung và phong trào thi đua ngành VH,TT&DL nói riêng có những bước chuyển biến quan trọng. Sau Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW (2001 - 2005), thủ trưởng đơn vị các cấp đã nhận thức sâu sắc hơn về công tác thi đua - khen thưởng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Giai đoạn 2006 - 2010, kết quả lớn nhất phong trào thi đua yêu nước mà ngành VH,TT&DL đạt đươc đó là sự phát triển cả về chất và lượng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Dưới sự hướng dẫn của ngành VH,TT&DL (Bộ VH,TT&DL là cơ quan thường trực trong BCĐ TW của Phong trào), phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã được các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình và thế mạnh của từng địa phương.

Phong trào nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn ngành là phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nội dung của cuộc vận động bao trùm lên nhiều hoạt động được hầu hết các đơn vị trong ngành hưởng ứng như: tổ chức học tập, hội thi kể chuyện, tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp cơ sở và cấp Bộ... kết quả của phong trào thực sự đã làm chuyển biến suy nghĩ và hành động của công chức, viên chức, người lao động và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rõ rệt.

Các đơn vị tham mưu, quản lý nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện cải cách hành chính, quản lý theo pháp luật, kịp thời cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện một bước hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Tiêu biểu là phong trào của các đơn vị: Tổng cục TDTT, Cục Di sản văn hoá, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả, Vụ Gia đình .... Trong các trường TDTT, văn hoá nghệ thuật, phong trào thi đua "học đi đôi với hành" luôn được duy trì; quy mô đào tạo mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng cao...

Cùng với lĩnh vực văn hoá, du lịch, sự nghiệp thể thao đã góp phần tạo nên động lực thúc đẩy các hoạt động rèn luyện và thi đấu thể thao. Phong trào thi đua trong TDTT tiếp tục được hưởng ứng mạnh trong toàn xã hội với tinh thần "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ tổ quốc" và điển hình nhất là phong trào "Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Thể thao quần chúng phát triển với 23% số dân thường xuyên tập luyện TDTT, chương trình thể thao xã, phường, xã hội hoá các hoạt động thể thao. TTTTC đã và đang vươn lên các mục tiêu cao hơn ở khu vực và thế giới: Bóng đá Việt Nam đoạt chức Vô địch Đông Nam Á Cúp Suzuki 2008, HCB môn Cử tạ tại Olympic Bắc Kinh, tổ chức thành công Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3 tại Việt Nam, giúp nước bạn Lào tổ chức thành công SEA Games 25...

Trong những năm qua, Bộ VH,TT&DL đã trình Nhà nước khen thưởng: 6 Huân chương Hồ Chí Minh; 22 Huân chương Độc lập; 258 Huân chương Lao động; 168 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 38 Cờ Thi đua của Chính phủ; 8 Nhà giáo Nhân dân; 19 Nhà giáo Ưu tú, 5 Chiến sỹ thi đua toàn quốc; Bộ VH,TT&DL tặng thưởng: trên 8.000 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân, trên 8.000 Kỷ niệm chương, trên 500 Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, 440 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ...những con số này tuy chưa phản ánh được hết bức tranh toàn cảnh về kết quả thi đua của Bộ, nhưng đã có tác dụng nhất định trong việc động viên, cổ vũ phong trào thi đua.

5 năm qua (2006 - 2010), phong trào thi đua của Bộ diễn ra sôi nổi, rộng khắp; những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến được ghi nhận, tôn vinh kịp thời đã tạo thành những động lực mới thúc đẩy phong trào thi đua của toàn Bộ; công tác thi đua, khen thưởng đã tác động mạnh mẽ làm chuyển biến về chất các hoạt động VH,TT&DL, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế như: phong trào có nhiều chuyển biến nhưng chưa vững chắc, còn bị giới hạn ở phạm vi từng cơ quan, đơn vị, chưa thực sự tạo được khí thế thi đua chung trong toàn xã hội. Nội dung còn dàn trải chưa tập trung giải quyết những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Không ít phong trào ở các đơn vị được phát động, song không được tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đã phát động phong trào thi đua mới; chưa dày công bồi dưỡng để có những đơn vị điển hình tiên tiến thực sự đứng đầu trong phong trào thi đua của toàn ngành...

Những hạn chế này đều có những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan cho thấy, mặc dù sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo gần 20 năm đã giành được những thắng lợi to lớn cả về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Tuy vậy, đời sống của nhân dân ta nói chung và của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn khó khăn; tư duy bao cấp vẫn ảnh hưởng khá nặng; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nói chung chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập; giữa các cơ quan, đơn vị, ngành nghề còn có sự khác biệt lớn về lợi ích và thu nhập; những nhân tố đó đã có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi đua, khen thưởng. Về chủ quan có thể thấy sự hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ cấp uỷ và thủ trưởng ở một số đơn vị cả về nhận thức lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Tổ chức bộ máy, trình độ năng lực của cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, phong trào thi đua cần đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, thủ trưởng các đơn vị và có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên; Phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị...

A.T

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại phong trào thi đua yêu nước toàn ngành VH,TT&DL giai đoạn 2006 - 2010