Thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ VH,TT&DL thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành

Tại cuộc họp giao ban công tác văn hoá, thể thao và du lịch vào tháng 8/2010, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – ông Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo Thanh tra Bộ nghiên cứu, đề xuất thành lập bộ phận thanh tra chuyên ngành thuộc Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thể dục thể thao.

Theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Hoạt động thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.” Còn Hoạt động thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý. Về cơ bản giữa thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính là khác nhau, nhất là về đối tượng thanh tra, trình tự, thủ tục thanh tra và hậu quả pháp lý sau thanh tra.

Cụ thể, thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, nếu phát hiện có vi phạm thì kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành, trừ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mang tính chất công vụ; hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành thường xuyên, nếu phát hiện có vi phạm thì xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Tinh thần chung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), thanh tra chuyên ngành (thuộc thẩm quyền của Bộ) sẽ được giao cho các tổng cục, cục hoặc tương đương thuộc bộ bởi chính những cơ quan này là cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, cho nên thanh tra phải được tiến hành kịp thời, thường xuyên, chủ động nhằm phát hiện ra những sơ hở, vi phạm để khắc phục, xử lý; đồng thời, chính cơ quan quản lý là cơ quan có những cán bộ có chuyên môn sâu làm thanh tra viên chuyên ngành, trực tiếp tiến hành việc thanh tra và quyết định xử lý đối với các vi phạm thì sẽ có hiệu quả hơn.

Thực tế hiện nay ở nước ta một số cơ quan quản lý nhà nước đồng thời được giao cả nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành như cơ quan kiểm lâm, hải quan, cảnh sát giao thông... Kinh nghiệm một số nước cho thấy, trong quản lý chuyên ngành, không có sự phân biệt hoạt động thanh tra với hoạt động quản lý nhà nước, do đó cũng không hình thành nên bộ phận riêng làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Về tổ chức của bộ phận thanh tra của Tổng cục, Cục thuộc Bộ, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đưa ra 02 phương án trình Quốc hội.

Thứ nhất, không tổ chức thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Theo phương án này, Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập cơ quan thanh tra độc lập, hoạt động thanh tra chuyên ngành ở các cơ quan này do công chức của các cơ quan đó được bổ nhiệm là Thanh tra viên thực hiện. Trong quá trình thanh tra, người đứng đầu Tổng cục, Cục thuộc Bộ và Thanh tra viên được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ hai, thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Bộ được thành lập ở một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi quản lý rộng, chuyên môn sâu, đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực hoặc nhiệm vụ công tác thuộc phạm vi quản lý của Cục, Tổng cục. Việc thành lập thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục thuộc Bộ do Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng sau khi đã thống nhất với Tổng thanh tra Chính phủ.

Trong lĩnh vực TDTT, các hoạt động quản lý Nhà nước chuyên ngành mang tính chuyên môn tương đối sâu và đặc thù. Có thể kể ra các hoạt động như: công tác quản lý tổ chức tập luyện, thi đấu thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động chuyên môn của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ TDTT, cơ sở vật chất TDTT; quản lý chương trình, đào tạo huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao; quản lý việc phong cấp VĐV, HLV, Trọng tài, công nhận thành tích thể thao...

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, Nhà nước đang chủ trương phát triển mạnh thể thao chuyên nghiệp và chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao, thì hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành TDTT càng được thể hiện rõ nét và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành.

Thực tiễn quá trình hoạt động quản lý Nhà nước chuyên ngành TDTT từ khi sáp nhập thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch gặp không ít khó khăn do Tổng cục TDTT không được giao chức năng chủ trì thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành. Khoản 14 Điều 2 Quyết định 66/2008/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT quy đinh Tổng cục thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, thực hiện phòng chống tham nhũng...trong lĩnh vực TDTT. Do đó, công tác thanh tra trong lĩnh vực TDTT do Thanh tra Bộ đảm nhiệm triển khai thực hiện.

Với chủ trương thành lập bộ phận thanh tra thuộc Tổng cục TDTT theo tinh thần của Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc Hội thông qua trong thời gian tới, cùng với việc hoàn hiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TDTT.

Lê Thanh Liêm

 

 

 

 

Ảnh trong bài
  • Thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ VH,TT&DL thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành