|
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chủ trì buổi làm việc với Văn phòng Tổng cục và Tổ soạn thảo (Ảnh: Y Trang) |
Để chuẩn bị soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành Quy định về quản lý và sử dụng VĐV, Tổ soạn thảo đã tiến hành thu thập thông tin, tài liệu của một số môn như: Bóng đá, Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền. Tổ soạn thảo cũng đã cử đoàn cán bộ khảo sát tại An Giang và Đồng Tháp nhằm thu thập ý kiến trực tiếp của các cán bộ, lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh về văn bản này. Sau khi tổng hợp ý kiến lần thứ 3, Ban soạn thảo đã gửi xin ý kiến tại các địa phương, Vụ Pháp chế của Bộ VH,TT&DL. Theo Văn phòng Tổng cục TDTT, dự kiến ngày 25/10 dự thảo Thông tư sẽ được hoàn thiện.
Quản lý và sử dụng VĐV là vấn đề tồn tại gây nhiều tranh cãi trong thực tế của ngay chính các VĐV đối với các cơ sở thể thao nơi đào tạo cũng như nơi sử dụng VĐV, đặc biệt là các VĐV thể thao đỉnh cao. Trong số các môn thể thao phát triển theo hướng thể thao đỉnh cao hiện chỉ có Bóng đá và Bóng chuyền đã được Liên đoàn cấp quốc gia ban hành Quy chế chuyển nhượng VĐV. Tuy nhiên đây chỉ là số ít Liên đoàn thể thao quốc gia đã thực hiện vấn đề này đồng thời cũng chưa đề cập toàn diện về việc quản lý và sử dụng VĐV. Do vậy, việc Thông tư Quy định về quản lý và sử dụng VĐV hết sức cấp thiết, tạo cơ sở pháp lý để những người tham gia hoạt động quản lý và sử dụng VĐV thực hiện cũng như làm cơ sở thực hiện đối với các thanh tra nhà nước. Có như vậy, thể thao đỉnh cao Việt Nam mới dần hướng đến chuyên nghiệp.
Sử dụng và quản lý VĐV - vấn đề vốn đã có nhiều khúc mắc trong thực tế đã đặt ra cho các nhà quản lý, tổ soạn thảo cần thiết phải tính toán kỹ lưỡng đặc biệt đối với việc chuyển nhượng cần phải cân nhắc quyền và nghĩa vụ của cơ sở đào tạo, cơ sở sử dụng VĐV đảm bảo hợp lý, hợp đồng chuyển nhượng...
Chỉ đạo tại buổi làm việc với Văn phòng Tổng cục TDTT và Tổ soạn thảo ngày 21/9/2010, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nhấn mạnh: Về cơ bản, Tổ soạn thảo đã xây dựng tốt một số nội dung. Tuy nhiên, để hiệu quả trong việc đóng góp ý kiến, Tổ soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ đối tượng và phạm vi của Thông tư này. Để từ đó có xác định được quyền và nghĩa vụ đối với đơn vị sử dụng, đơn vị đào tạo VĐV cũng như các vấn đề khác liên quan. Trong đó, về chủ trương, đối tượng điều chỉnh của Thông tư sẽ bao hàm tất cả các CLB, cơ sở đào tạo với tất cả các môn thể thao dù đã có hay chưa Liên đoàn thể thao quốc gia. Thông tư sẽ ban hành quy định chung cho tất cả các môn thể thao, còn một số quy định khác mang tính đặc thù của từng môn sẽ do Liên đoàn thể thao quốc gia môn đó quy định cụ thể.
Do Thể thao có đặc thù nên việc nghiên cứu các Luật, quy định khác để làm căn cứ đưa vào Thông tư một số quy định như: trách nhiệm bối thường, thời gian tập thử, bảo hiểm… phải cẩn trọng đảm bảo tính khả thi.
HX