Đề án "Phát triển Bệnh viện thể thao Việt Nam đến năm 2020"

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/5/2007, đến nay sau 3 năm hoạt động, Bệnh viện thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh một số vấn đề bất cập, cần phải nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá đúng mức để sớm có hướng khắc phục giúp cho bệnh viện ngày càng phát triển bền vững. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã xây dựng dự thảo Đề án hoàn thiện phát triển Bệnh viện nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của ngành cũng như nhu cầu phát triển chung của xã hội.

Toàn cảnh họp (Ảnh: A.T)
Theo đó, sáng 11/9, Ban soạn thảo dự thảo Đề án, Ban Giám đốc Bệnh viện đã có buổi báo cáo trước lãnh đạo Tổng cục TDTT về các nội dung của dự thảo Đề án. Thay mặt Ban soạn thảo dự thảo Đề án, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện đã trình bày về thực trạng của Bệnh viện thông qua cơ cấu bộ máy nhân sự, hệ thống cơ sở vật chất, hiệu quả công tác, những tồn tại, hạn chế của Bệnh viện trong công tác khám và chữa bệnh...

Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, trước xu thế xu thế phát triển của y học nói chung và của y học thể thao nói riêng cũng như nhu cầu phát triển chung của xã hội, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng gia tăng việc đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh cũng như phục vụ công tác chính trị của ngành đối với Bệnh viện là rất khó khăn. Chính vì vậy, cần thiết phải đầu tư phát triển bệnh viện thể thao Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 (đưa Bệnh viện thể thao Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực, quốc tế), dự thảo Đề án cũng nêu rõ các nội dung chính cần thực hiện gồm: xây dựng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, xác định mô hình và cơ cấu tổ chức hợp lý; mở rộng diện tích mặt bằng Bệnh viện, chống xuống cấp, nâng cấp cơ sở vật chất; từng bước nâng cấp và hiện đại hoá các thiết bị y tế; phát triển nhuồn nhân lực, đảm bảo đầy đủ số lượng, cân đối về cơ cấu; mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, chuyển giao và áp dụng các tiến bộ y học nói chung; tăng cường kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám bệnh, chẩn đoán bệnh; xây dựng triển khai mô hình "Du lịch chữa bệnh" tại Bệnh viện.

Dự thảo Đề án cũng đã đề cập tới 4 nhóm giải pháp, đó là: đảm bảo cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; đảm bảo trang thiết bị; đảm bảo tổ chức và nhân lực và phát triển khoa học công nghệ y học và Khoa học thể thao. Đề án sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2010 - 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 - 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Lê Quý Phượng đã khẳng định mô hình và cấu trúc của dự thảo Đề án cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, để làm rõ hơn thực trạng cũng như tính cấp thiết của Đề án, Phó Tổng cục trưởng đã đề nghị các thành viên Ban soạn thảo cần bám sát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao của Bệnh viện; đồng thời nhấn mạnh "với đặc thù là một Bệnh viện thể thao, do đó phương hướng phát triển phải tạo được nét riêng biệt, chuyên biệt so với các Bện viện khác. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường, củng cố chuyên môn như đào tạo nước ngoài dài hạn, ngắn hạn cần phải chú trọng tới công tác đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ tại Bệnh viện...

Phó Tổng cục trưởng Lê Quý Phượng cũng đề nghị sau buổi làm việc, các thành viên Ban soạn thảo cần tổng hợp ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung  của các thành viên dự họp cho bản dự thảo Đề án để tiến hành báo cáo lãnh đạo Tổng cục TDTT, tiến tới báo cáo lãnh đạo Bộ VH,TT&DL trong tháng 9/2010.

A.T

Ảnh trong bài
  • Đề án "Phát triển Bệnh viện thể thao Việt Nam đến năm 2020"