Ban hành tiêu chuẩn hoạt động môn Bơi - Lặn: vấn đề cấp thiết

Đối với các yêu cầu chuyên môn là cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ nhân viên chuyên môn sẽ được quy định thật chi tiết và số hoá các tiêu chí như: diện tích tối thiểu bể bơi, nồng độ nước, ánh sáng (đảm bảo nhìn được đáy), âm thanh, độ sâu của bể, số lượng nhân viên y tế, cứu hộ trên diện tích bể bơi, bục rửa... Tất cả các tiêu chí này đều phải đảm bảo những tiêu chuẩn riêng và được ngành TDTT quản lý và ban hành.


Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Y Trang)
Bơi, một môn thể thao phát triển rộng rãi trong quần chúng nhân dân dẫn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ bể bơi tăng nhanh. Trên thực tế có nhiều bể bơi chưa đạt các yêu cầu cần thiết đảm bảo an toàn nhằm phục vụ đúng mục đích vì sức khoẻ cộng đồng vốn có của nó. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, đến thời điểm này chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng để các cơ sở hoạt động bể bơi thực hiện theo (ngoài quy chuẩn quốc gia). Hơn nữa, ngoài cơ sở bể bơi kinh doanh còn có nhiều cơ sở bể bơi của các đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước. Đặc biệt là khi đưa môn Bơi vào trường học thì những cơ sở đó sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu này. Do vậy ban hành tiêu chuẩn hoạt động chuyên môn của bể bơi là vấn đề hết sức cấp thiết.

Tuy nhiên, những tiêu chuẩn như thế nào thì cần phải được nghiên cứu, thảo luận của các nhà chuyên môn, quản lý về lĩnh vực TDTT. Đó cũng là mục đích của buổi làm việc giữa Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn với Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Bộ môn Bơi - Đinh Việt Hùng và các thành viên trong tổ soạn thảo Thông tư quy định điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao môn Bơi - Lặn.

Tại buổi làm việc, các thành viên đã thống nhất phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ nhân viên chuyên môn và các điều kiện khác của các cơ sở hoạt động thể thao môn Bơi - Lặn. Trong đó, môn Bơi bao gồm Bóng nước, Bơi nghệ thuật và Nhảy cầu.

Đối với các yêu cầu chuyên môn là cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ nhân viên chuyên môn sẽ được quy định thật chi tiết và số hoá các tiêu chí như: diện tích tối thiểu bể bơi, nồng độ nước, ánh sáng (đảm bảo nhìn được đáy), âm thanh, độ sâu của bể, số lượng nhân viên y tế, cứu hộ trên diện tích bể bơi, bục rửa... Tất cả các tiêu chí này đều phải đảm bảo những tiêu chuẩn riêng của ngành TDTT và được ngành TDTT xây dựng và ban hành. Đơn cử như việc quy định tiêu chuẩn của cán bộ cứu hộ phải ít nhất đảm bảo có chứng chỉ của cơ sở có thẩm quyền cấp nhưng hiện nay trên thực tế là có nhiều cơ sở có thể cấp chứng chỉ này và với nhiều phôi, hình thức khác nhau. Vậy nên chăng chỉ áp dụng đối với 1 loại chứng chỉ do đơn vị là ngành TDTT cấp. Hay người hướng dẫn bơi cũng phải đảm bảo trình độ đào tạo Trung cấp trở lên...

Còn đối với các yếu tố khác như môi trường, thương mại, phòng cháy chữa cháy, an ninh... sẽ do các đơn vị chức năng khác ban hành và quản lý.

Khi Thông tư này được ban hành sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn thể thao này đồng thời đảm bảo lợi ích cho người dân khi sử dụng loại hình dịch vụ Bơi - Lặn.

HX

Ảnh trong bài
  • Ban hành tiêu chuẩn hoạt động môn Bơi - Lặn: vấn đề cấp thiết