|
Tiếp đoàn khảo sát đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em (Ảnh: Thế Thiện) |
Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính.
Thay mặt cho Bộ VH,TT&DL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã trình bày sơ bộ về công tác tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cụ thể: Bộ đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng và phát triển các điểm sáng về văn hoá; phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hình thức hoạt động vui chơi giải trí mới và nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, từng bước trở thành nếp sống mới trong cuộc sống hiện đại thông qua những hoạt động như: Ngày hội trẻ em, Chương trình lễ hội, Chương trình ca nhạc trẻ em nhân các ngày Tết Trung Thu, ngày 1/6....; Bộ đã tập trung chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng, các ngành, các cấp có kế hoạch tổ chức các chương trình hoạt động vì trẻ em, tổ chức các hoạt động phục vụ thiếu niên nhi đồng đặc biệt vào các ngày lễ thiếu nhi và các dịp hè.
Khảo sát về tình hình đầu tư xây dựng điểm vui chơi trẻ em cho thấy: Toàn quốc có 71 Trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, nhà thông tin triển lãm cấp tỉnh, 510 Trung tâm Văn hoá hoặc nhà văn hoá cấp huyện, 4161 Nhà văn hoá cấp xã, 38543 Nhà văn hoá làng, thôn, ấp bản; 58 Cung thiếu nhi, Nhà văn hoá thiếu nhi cấp tỉnh; 224 Cung, Nhà văn hoá thiếu nhi cấp huyện và 5 Nhà văn hoá thiếu nhi các ban, ngành và 8.451 điểm vui chơi của trẻ em tại xã, phường...
Tuy nhiên, hiện nay công tác đầu tư, xây dựng, quản lý sử dụng khu vực vui chơi, giải trí cho trẻ em vẫn còn tồn tại cần khắc phục như: chưa có sự tăng trưởng về số lượng vui chơi trẻ em; 85% các Nhà văn hoá, Cung thiếu nhi tập trung ở trung tâm đô thị, chỉ có 10- 15% trẻ em ở các vùng đô thị và 5% trẻ em các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tham gia vui chơi, giải trí đầy đủ. Đối với nhiều xã nghèo còn là điểm trắng về điều kiện dành cho trẻ em được sinh hoạt vui chơi, giải trí.... Vì vậy, việc chăm lo cho trẻ em trên cả nước được vui chơi, đọc sách báo, xem biểu diễn nghệ thuật và phim ảnh đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các ngành, các cấp mà của toàn xã hội.
Trước khi nghe báo cáo của Bộ VH,TT&DL tại buổi làm việc này, đoàn khảo sát cũng đã nghe báo cáo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, mà các Bộ, ngành gặp phải trong quá trình thực hiện để công tác đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em.
A.T