Chỉ có bốn ngày nữa, Lễ khai mạc SEA Games 23 sẽ diễn ra tưng bừng tại Thủ đô Manila. Thể thao Việt Nam lại bước vào "cuộc chơi" với những khó khăn mới, thử thách mới. Phóng viên TDTT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 23 lần này.
* Xin ông cho biết thuận lợi và khó khăn của Đoàn TTVN tham dự SEA Games 23?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Chúng ta có 2 thuận lợi và rất nhiều khó khăn. Thuận lợi thứ nhất là có được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Uỷ ban TDTT. Thứ hai là công tác đào tạo VĐV được tổ chức hệ thống và chuyên nghiệp hơn. Các HLV, VĐV của chúng ta đã chuyên nghiệp hơn trong huấn luyện và đào tạo. Hiện nay, các đội tuyển đều có khả năng độc lập tác chiến tham gia thi đấu ở các cấp độ khu vực và châu lục, có những kinh nghiệm, sự hiểu biết và đánh giá tương đối chính xác về đối thủ. Và điều đó sẽ vô cùng có ích khi chúng ta độc lập tác chiến tại các địa điểm thi đấu phân tán tại Philippines.
Khó khăn thì còn rất nhiều, song đến nay với sự nỗ lực hết mình, chúng ta đã vượt qua. Để thực hiện tốt chỉ tiêu đề ra thì chúng ta phải hoàn thiện nhiều, khắc phục những khó khăn. Nhất là việc ứng dụng những khoa học công nghệ để nâng cao thành tích; đặc biệt là công tác y học hồi phục và chữa trị chấn thương; cải tiến chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với điều kiện tập luyện và thi đấu của từng môn thể thao cũng như quá trình rèn quân có hệ thống cần có một sự đầu tư quyết liệt, một tinh thần tích cực.
Khó khăn cần phải vượt qua tiếp đó là nước chủ nhà Philippines đã thông qua một số chương trình thi đấu với số lượng các môn thi, nội dung thi không thuận lợi gây ảnh hưởng không nhỏ đến thế mạnh của TTVN. Lực lượng tham gia thi đấu sẽ bị phân tán bởi sự bố trí sắp xếp địa điểm thi. Và khi đến Philippines, chúng ta cũng thấy những trở ngại trong giao thông, trong liên lạc cũng như quản lý và điều hành (41 môn thể thao được bố trí thi đấu dàn trải ở hơn 50 địa điểm khác nhau của 11 tỉnh, nằm trên nhiều hòn đảo). Đó là những khó khăn thực tế mà các đoàn thể thao trong đó có Việt Nam phải chấp nhận.
* Có thể nói, đoàn Thể thao Việt Nam lần này đi là "vượt qua thử thách"?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Nếu tính từ SEA Games 15 (Malaysia 1989), Thể thao Việt Nam đã 7 lần tham gia, 1 lần làm chủ nhà. Chúng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và đã thành công. Còn lần thứ 8 làm khách này, đoàn Thể thao Việt Nam cũng thực sự phải vượt qua những thử thách lớn nhất.
Theo quyết định của Uỷ ban TDTT, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23 đã đưa toàn bộ lực lượng mạnh nhất của mình vào trận với 758 thành viên, dưới sự chỉ đạo của một trưởng đoàn, 10 phó đoàn, có 45 cán bộ, bác sỹ, 188 lãnh đội, HLV và 528 VĐV tranh tài ở 33 trên tổng số 41 môn của Đại hội. Đây cũng là con số kỷ lục trong những lần đi "đem chuông đi đánh xứ người"
Thể thao Việt Nam chưa bao giờ gặp nhiều thách thức như tại Philippines vào cuối năm nay. Thứ nhất, Thể thao Việt Nam đến với SEA Games 23 với tư cách là đương kim vô địch. Thứ 2, mục tiêu của Thể thao Việt Nam đã sớm "lộ diện" đó là phấn đấu vào tốp 3, phải giành được khoảng 60 đến 80 HCV. Một con số không lớn nếu nhìn vào thực lực nhưng cũng không dễ, đơn giản là bởi sức cạnh tranh khá lớn từ các đối thủ.
Ví như, Philippines với 892 VĐV tuyên bố tối đa sẽ giành được 171 HCV và tối thiểu là 109, để đứng ngôi đầu mà họ đã tuột tay vào năm 1991 khi ở cương vị chủ nhà.
Thêm nữa, mặc dù là nước chủ nhà của một kỳ Đại hội khổng lồ với 41 môn thi, nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị thi đấu của Philippines bị đánh giá là chất lượng yếu và đây là thách thức không nhỏ cho các VĐV.
* Ông có thể đánh giá cơ hội giành huy chương và thứ hạng của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 23?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Về mục tiêu thì đã rõ, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao cho đoàn Thể thao Việt Nam phải là 1 trong 3 vị trí đứng đầu. Trên thực tế đánh giá lực lượng thì thấy rằng các VĐV của chúng ta ở nhiều môn thể thao hoàn toàn có khả năng giành được thành tích đảm bảo cho đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ 3. Trong đó, tất cả những môn võ đối kháng vẫn là chủ lực, bên cạnh đó là Điền kinh, Thể dục, Bắn súng, Cử tạ... Tất cả những môn thể thao này qua kinh nghiệm cho thấy là chúng ta có khả năng đảm bảo vị trí thứ 3, tuy không thể giành được số lượng lớn HCV như ở SEA Games 22 nhưng đã có thể nhìn thấy được những VĐV nào, bộ môn nào có thể đóng góp vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam.
Theo Tạp chí Thể thao