Quy định về quản lý hoạt động chuyên môn của Hội cổ động viên thể thao

Trong thời gian qua, hoạt động cổ vũ thể thao dưới hình thức tổ chức hội cổ động viên (CĐV), đặc biệt là trong Bóng đá phát triển tương đối mạnh mẽ. Xu hướng thành lập Hội CĐV để tổ chức cổ vũ có quy mô, bài bản đang trở thành một nhu cầu bức thiết ở các CLB thể thao chuyên nghiệp.

Trong các trận thi đấu thể thao, đa số các hoạt động cổ vũ đã tạo được nét đẹp văn hoá, là nguồn động viên lớn cho các VĐV tham gia thi đấu. Nội dung cổ động đúng mực, lành mạnh tạo được không khí vui vẻ, cởi mở, thân thiện trong khán giả, đồng thời tạo hưng phấn cho các VĐV thi đấu đạt chất lượng chuyên môn.

Tuy nhiên, trong nhiều trận đấu thể thao, không ít CĐV có hành vi quá khích, nội dung cổ vũ không đúng mực, thiếu văn hoá để xảy ra bạo lực trên sân cỏ, gây mất an ninh trật tự, an toàn trong các hoạt động thể thao. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý thi đấu của VĐV, làm thiệt hại đến CLB thể thao mà CĐV cổ vũ do phải chịu án phạt của Liên đoàn thể thao và quan trọng hơn là gây dư luận xã hội xấu đối với hoạt động thể thao.

Mặt khác, hiện nay các tổ chức CĐV được thành lập, cổ vũ hoạt động thể thao chủ yếu mang tính tự phát và hết sức đa dạng, chưa có tổ chức chính thức được thừa nhận để quản lý, hướng dẫn hoạt động.

Chính vì vậy việc hướng dẫn tổ chức, hoạt động và quản lý hội CĐV thể thao nhằm định hướng hoạt động, hướng dẫn hoạt động chuyên môn trong cổ vũ thể thao và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với việc quản lý, hướng dẫn hội CĐV thể thao hoạt động là đòi hỏi khách quan.

Hiện nay, quy định về việc quản lý Hội là tổ chức tự nguyện, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận được thực hiện theo Nghị định 88//2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và Thông tư 01/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và nay là Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ quy định có tính nguyên tắc trong việc quản lý Hội nói chung và chỉ quản lý đối với các Hội có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập chính thức.

Trong thời gian tới, Hội CĐV được ra đời có xu hướng ngày càng tăng. Hoạt động cổ vũ thể thao ngày càng phức tạp đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò tự quản của Hội CĐV, CLB thể thao, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước nhằm xây dựng được thói quen cổ vũ có văn hoá, góp phần thúc đẩy thể thao phát triển, đặc biệt là đối với thể thao chuyên nghiệp.

Với quan điểm nêu trên, ngày 28/7/2010, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ban hành Thông tư số 07/2010/TT-BVHTTDL quy định về quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao.

Nội dung của Thông tư gồm các vấn đề cơ bản sau: 1 - Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư xác định rõ phạm vi điều chỉnh là: “nội dung chuyên môn cổ vũ hoạt động thể thao của các Hội CĐV được thành lập theo quy định của pháp luật về hội và các hội, câu lạc bộ CĐV do câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, cơ quan chủ quản của đội, đoàn thể thao thành lập; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao đối với hội cổ động viên thể thao.”; 2 - Về hoạt động của Hội CĐV  thể thao: Nội dung này nêu rõ phạm vi hoạt động của hội cổ động viên thể thao; điều kiện trở thành hội viên hội cổ động viên thể thao và trách nhiệm, quyền lợi của từng hội viên; 3 - Về trách nhiệm quản lý Hội CĐV thể thao: Thông tư xác định trách nhiệm quản lý hội cổ động viên thể thao của từng cơ quan: Tổng cục TDTT, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở VH,TT&DL địa phương, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao, cơ quan chủ quản đội thể thao. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2010.

Lê Thanh Liêm

Ảnh trong bài
  • Quy định về quản lý hoạt động chuyên môn của Hội cổ động viên thể thao