Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg ngày 24/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em và việc triển khai thực hiện Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, chăm sóc đời sống văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em nói riêng đã có nhiều tiến bộ cả về nhận thức, tổ chức và kết quả hoạt động góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, nhằm tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, tri thức, sức khoẻ và thẩm mỹ, hình thành nhân cách và nâng cao phẩm chất tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống các thiết chế văn hoá cơ sở do ngành VH,TT&DL quản lý và hệ thống Cung văn hoá thiếu nhi, Nhà văn hoá thiếu nhi do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quản lý và chỉ đạo về cơ bản đã đáp ứng được một số nhu cầu sinh hoạt văn hoá, vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn nên thiếu cơ sở, trang thiết bị để tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em; nội dung và hình thức hoạt động còn đơn điệu, kém hấp dẫn, chưa phù hợp với sở thích và lứa tuổi. Trên thị trường còn lưu hành một số sản phẩm văn hoá và đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em và ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó, tạo điều kiện về nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí thiết thực góp phần vào việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã ban hành Chỉ thị số 129 /CT-BVHTTDL về việc tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em tại các cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc các Sở VH,TT&DL chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ cho các Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Thể dục thể thao, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao, Thư viện, Bảo tàng, Phòng truyền thống, Rạp chiếu bóng, Nhà hát, Công viên, Điểm tham quan du lịch, vui chơi, giải trí, Câu lạc bộ văn hoá, thể dục, thể thao trên địa bàn dành thời gian thích hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho thiếu niên, nhi đồng có nhu cầu đến sinh hoạt, tập luyện; phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em, chú trọng tới các đối tượng trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện những nhiệm vụ cụ thể: Thủ trưởng các cơ sở VH,TT&DL có kế hoạch chủ động tổ chức xây dựng chương trình hoạt động, mở các lớp đón thiếu niên, nhi đồng đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao. Còn các cơ sở VH,TT&DL ngoài công lập cần có kế hoạch chủ động đề xuất với UBND địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về các yêu cầu hỗ trợ thực hiện chính sách xã hội hóa về văn hóa, thể thao của Đảng và Nhà nước.
Tổng cục Thể dục thể thao, Cục Văn hóa cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn và thường xuyên đôn đốc các Sở VH,TT&DL triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ thiếu niên, nhi đồng. Giám đốc Sở VH,TT&DL chịu trách nhiệm phổ biến Chỉ thị này tới các cơ sở văn hoá, thể thao và du lịch đóng trên địa bàn.
Linh Giang