Quốc hoa Việt Nam: Sự cần thiết tôn vinh và Tiêu chí lựa chọn

Thực hiện Quyết định số 1361/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2010 của Bộ VH,TT&DL về việc xây dựng Đề án Quốc hoa Việt Nam và Quyết định số 1459/QĐ-BVHTTDL ngày 27/4/2010 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL về việc tổ chức Hội thảo Quốc hoa Việt Nam, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo về Quốc hoa Việt Nam.

TS. Ngô Phương Lan trình bày báo cáo tại Hội thảo (Ảnh: Ảnh: Văn Duy)
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - ông Lê Tiến Thọ nhấn mạnh việc lựa chọn một loài hoa trong hàng trăm loài hoa đẹp để tôn vinh là Quốc hoa là một nhiệm vụ lớn, rất khó khăn. Đó chính là lý do Ban soạn thảo Đề án Quốc hoa Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho ý kiến về Quốc hoa Việt Nam.

Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức ngày 16/6/2010 tại Bộ VH,TT&DL với nội dung "Quốc hoa Việt Nam: Sự cần thiết tôn vinh và Tiêu chí lựa chọn". Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu rau quả....

Đại biểu dự Hội thảo đã được nghe báo cáo "Sự cần thiết tôn vinh của Quốc hoa Việt Nam và Tiêu chí lựa chọn" của TS. Nguyễn Trung Nhật - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; "Thực trạng hoa cây cảnh Việt Nam, tiềm năng và triển vọng phát triển" của TS. Trịnh Khắc Quang -  Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả; "Dư luận nhân dân hiện nay về tôn vinh Quốc hoa Việt Nam. Một số ứng cử viên cho Quốc hoa Việt Nam" của TS. Đặng Văn Đông - Trưởng Bộ môn Hoa Cây cảnh, Viện nghiên cứu Rau quả và "Quốc hoa của một số nước trên thế giới" của TS. Ngô Phương Lan.

Theo đó, các báo cáo đều tập trung nêu rõ một vấn đề quan trọng, rằng Việt Nam là đất nước có nhiều loài hoa đẹp, tuy nhiên cho tới nay, chưa có văn bản nào công nhận Quốc hoa của Việt Nam trong khi hầu hết các nước ASEAN và các nước láng giềng của Việt Nam đều đã có Quốc hoa.

Quan trọng hơn nữa, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; phát triển kinh tế, xã hội; giao lưu và hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ không ít khi gặp phải câu hỏi "Quốc hoa của các bạn là gì?" - câu hỏi này sẽ khiến chúng ta thật sự lúng túng. Quốc hoa không chỉ là biểu tượng văn hoá của một quốc gia, được tôn vinh trong các ngày lễ tết, giao lưu đối ngoại mà Quốc hoa còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, uy tín quốc gia. Đã có không ít người dân Việt Nam cũng như khách thăm quan quốc tế lầm tưởng Hoa Sen là Quốc hoa Việt Nam.

Khi được biết Bộ VH,TT&DL ra Quyết định số 1419/QĐ-BVHTTDL ngày 21/4/2010 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa Việt Nam, nhiều người dân Việt Nam đã vui mừng, tham gia nhiệt tình đóng góp ý kiến. Hầu hết các ý kiến thống nhất rằng Quốc hoa của Việt Nam phải được nhanh chóng lựa chọn với tiêu chí chính: phải là loài hoa phổ biến, gần gũi với con người Việt Nam, có giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế và đặc biệt  là mang hình ảnh đại diện cho cốt cách, tinh thần của con người Việt Nam. Báo cáo của TS. Đặng Văn Đông có trích dẫn rằng, sau hơn 2 tháng bình chọn trên các trang Web đã có được kết quả sơ bộ từ 135.097 ý kiến. Trong đó, Hoa Sen được bầu chọn với 40,3%; tiếp theo là Hoa Mai với 33,6%, Hoa Đào 8,2%, Tre 9,5%....

Quan trọng hơn cả, khi lựa chọn được Quốc hoa phù hợp thì vẫn cần có sự tham gia tiếp tục của các ngành khoa học về Văn hoá, Lịch sử, Nông - Sinh học... và của tất cả các tổ chức, chính trị xã hội thì Quốc hoa đó mới thực sự có ý nghĩa và tồn tại bền lâu.

A.T

 

Ảnh trong bài
  • Quốc hoa Việt Nam: Sự cần thiết tôn vinh và Tiêu chí lựa chọn