Đăc Nông là một tỉnh mới thành lập, nằm trên địa bàn chiến lược quan trọng chính trị quân sự của Nam Tây Nguyên, có biên giới giáp Campuchia, với nhiều dân tộc thiểu số, chịu áp lực dân di cư tự do từ các nơi khác đến ngày càng tăng, là một trong những tỉnh nghèo, còn khó khăn, thiếu thốn, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở hạ tầng về du lịch chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của đời sống nhân dân, do vậy, về quan điểm trong những năm qua và những năm sắp tới, Bộ VH,TT&DL luôn quan tâm đầu tư cho tỉnh Đắc Nông để cùng với nguồn lực của địa phương nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện thiết chế văn hóa cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Thứ trưởng Lê Tiến Thọ đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắc Nông ngày 26/5/2010 tại Bộ VH,TT&DL. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Tiến Thọ còn có một số kết luận cụ thể. Đắc Nông đã và đang triển khai quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực văn hóa thể thao, du lịch. Trong xu thế hội nhập và phát triển công tác quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn cần cụ thể, chi tiết hơn, chú ý vấn đề chính sách cho xã hội hóa, công tác quy hoạch cần được lưu ý bố trí quỹ đất cho thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Đề án quy hoạch cần có sự thỏa thuận của Bộ trước khi trình cơ quan chức năng phê duyệt. Đối với quy hoạch du lịch đã phê duyệt từ năm 2005 đến nay cũng cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Vấn đề hạ tầng kỹ thuật du lịch, tỉnh cần lập kế hoạch đầu tư cho cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn kinh phí trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển hạ tầng du lịch trong những năm tới.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Thứ trưởng đồng ý chủ trương tăng nguồn kinh phí đầu tư (đối với nguồn vốn đầu tư phát triển) trong vài năm tới để hoàn thành các hạng mục di tích gốc của các di tích lịch sử cách mạng đã được Bộ VH,TT&DL thỏa thuận: Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 - liên tỉnh IV (Nâm Nung); Di tích lịch sử Nơ Trang Lơng (Đồn Buméra xã Đăk Buk So và bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) là các di tích quan trọng cần phải tôn tạo nhằm bảo tồn di tích và phục vụ du lịch cửa khẩu, phục vụ vùng biên giới. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, đề nghị UBND tỉnh Đắc Nông chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục xin chống xuống cấp gửi về Bộ VH,TT&DL, trước ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch.
Đối với một số đề nghị cụ thể của Tỉnh, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề cương tổng quát Bảo tàng tỉnh Đăk Nông, xác định công năng của Bảo tàng, đề cương trưng bày hiện vật gửi các cơ quan chuyên ngành của Bộ góp ý sau đó lập dự án đầu tư để Bộ hiệp y. Đồng thời cần sớm có Đề án sưu tầm hiện vật, di vật, tài liệu lịch sử để khi Bảo tàng hoàn thành có hiện vật phục vụ trưng bày. Về việc xây dựng cụm tượng đài anh hùng Nơ Trang Lơng và các anh hùng dân tộc Tây Nguyên, Bộ VH,TT&DL đồng ý về chủ trương đưa vào quy hoạch xây dựng tượng đài của tỉnh, về trình tự tiến hành xây dựng tượng đài, tỉnh Đắc Nông cần tiến hành thực hiện theo quy định của Bộ VH,TT&DL đã ban hành.
Về việc xây dụng khu liên hợp thể dục thể thao, Bộ đồng ý chủ trương, trước mắt cần tập trung xây dựng sân vận động theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1319/TTg-CP, ngày 31/7/2009, xây dựng với quy mô 15.000 chỗ ngồi là thích hợp để phát huy cơ sở vật chất, cần gắn với trường học TDTT, hoặc nơi luyện tập TDTT; xây dựng nhà thi đấu đa năng với quy mô 3.500 đến 4.000 chỗ ngồi là phù hợp.
Bộ có văn bản thỏa thuận đồng trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ vốn hoàn thành Trung tâm Văn hóa tỉnh theo kết luận củaThủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1319/TTg-CP, ngày 31/7/2009, gồm khối nghiệp vụ (giai đoạn 1) và tiếp tục đầu tư khối biểu diễn nghệ thuật (giai đoạn 2).
TH